Nhóm cựu quan chức liên quan vụ án Tập đoàn Phúc Sơn nộp khắc phục hàng trăm tỷ đồng

Từ giai đoạn điều tra đến truy tố, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kê biên hàng nghìn bất động sản, hàng trăm lượng vàng cùng hàng trăm tỷ đồng tiền mặt của 41 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn; nhóm bị can là cựu quan chức liên quan vụ án cũng nộp khắc phục hàng trăm tỷ đồng.

534 lượng vàng, hàng nghìn bất động sản bị kê biên

Ban hành cáo trạng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị địa phương, ngoài truy tố 41 bị can về 6 tội danh khác nhau, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cáo công bố thêm phần thu hồi tài sản, vật chứng.

Theo Viện kiểm sát, tính đến nay tổng số tiền, vàng, USD thu giữ, gồm: Giai đoạn điều tra thu hơn 41,5 tỷ đồng; 534 lượng vàng SJC; trên 1,1 triệu USD; các bị can, đối tượng liên quan nộp tiền khắc phục hậu quả gần 119 tỷ đồng; 900.000 USD.

Còn tại giai đoạn truy tố, các bị can, đối tượng liên quan nộp thêm gần 67 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phúc Sơn.

Bên cạnh việc thu hồi, nộp khắc phục hậu quả, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng kê biên 1.440 bất động sản; phong tỏa 43 tài khoản, sổ tiết kiệm liên quan đến bị can Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phúc Sơn) và các bị can.

Đánh giá các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho hay, quá trình điều tra, tất cả các bị can đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tích cực hợp tác trong giải quyết vụ án.

Theo Viện kiểm sát, các bị can tự nguyện nộp lại hoặc vận động người thân nộp lại toàn bộ hoặc một phần số tiền được hưởng lợi để khắc phục hậu quả của vụ án.

Cụ thể, bị can Nguyễn Văn Hậu nộp hơn 84 tỷ đồng; Nguyễn Văn Khước (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) nộp hơn 3,4 tỷ đồng; Hoàng Văn Nhiệm (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc) nộp hơn 1,4 tỷ đồng; Chu Quốc Hải (cựu phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc) nộp 100 triệu đồng và 20.000 USD; Phạm Hoàng Anh (cựu Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) nộp lại 18 tỷ đồng; Phạm Văn Vọng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) nộp 2 tỷ đồng; Phùng Quang Hùng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) nộp 30.000 USD; Hà Hoà Bình (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) nộp lại 330 triệu đồng.

Các bị can Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) nộp 6 tỷ đồng và 20.000 USD; Lê Viết Chữ (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi) nộp 6,3 tỷ đồng; Đặng Văn Minh (cựu Giám đốc Sở giao thông Vận tải, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) nộp 11,6 tỷ đồng.

Các bị can khác người nộp lại thấp nhất 16 triệu đồng, người nộp cao đến hơn 3 tỷ đồng.

Các bị can là cựu lãnh đạo cấp cao tỉnh Vĩnh Phúc, gồm: Phó bí thư thường trực Phạm Hoàng Anh, Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan và Chủ tịch Lê Duy Thành (từ trái qua).

Cựu Bí thư, Chủ tịch Vĩnh Phúc dùng tiền bị thu, đất đai để khắc phục hậu quả

Riêng cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đã tự nguyện nộp số tiền 20 tỷ đồng. Ngoài ra, quá trình điều tra bà Lan và Nguyễn Văn Hậu thống nhất xác định số tiền hơn 34 tỷ đồng Lan đã chuyển cho Hậu mua đất tương đương với giá trị 2 lô mặt đường 304 và 3.000m2 đất kho vận. Do đó, bà Lan xin tự nguyện sử dụng hai lô đất trên đang bị kê biên để khắc phục hậu quả.

Đối với cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành , Viện kiểm sát cho hay, ông đã tự nguyện nộp số tiền 15 tỷ đồng và 830.000 USD. Ngoài ra, quá trình khám xét đã thu giữ tại nhà Thành số tiền 10,5 tỷ đồng và 800.000 USD. Bị can Thành và gia đình xin sử dụng thêm một phần tài sản thu giữ khi khám xét để khắc phục toàn bộ số tiền nhận hối lộ và sử dụng; 100 triệu đồng để khắc phục hậu quả chung của tòa vụ án.

Bên cạnh việc nộp khắc phục hậu quả, Viện kiểm sát cũng xem xét một số bị can là người đủ 70 tuổi trở lên, bị can sức khỏe yếu.

Ngoài ra, Viện kiểm sát cũng xem xét đánh giá các căn cứ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác đối với các bị can theo quy định.