Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, IQ có thể bị ảnh hưởng bởi gen di truyền, nhưng môi trường sống mới là yếu tố quan trọng giúp phát huy tối đa tiềm năng của trẻ. Còn EQ, chỉ số trí tuệ cảm xúc lại gần như phụ thuộc hoàn toàn vào cách cha mẹ đồng hành cùng con trong những năm đầu đời.
Dưới đây là 3 kiểu gia đình được các chuyên gia tâm lý đánh giá là cái nôi giúp nuôi dưỡng nên những em bé sở hữu cả IQ lẫn EQ vượt trội.
1. Gia đình có nguyên tắc nhưng không hà khắc
Đây là kiểu gia đình mà trẻ luôn biết mình đang ở đâu, giới hạn của mình là gì nhưng không cảm thấy bị bóp nghẹt.
Trong những gia đình này, cha mẹ thường đặt ra quy tắc rõ ràng về giờ giấc, việc nhà, học tập, cách cư xử... Trẻ được dạy rằng, việc tuân thủ nội quy không phải để vâng lời răm rắp, mà là để học cách sống có trách nhiệm. Tuy nhiên, sự kỷ luật ở đây luôn đi kèm với sự lắng nghe và thấu hiểu.
Cha mẹ không áp đặt mà sẽ giải thích lý do đằng sau mỗi quy định, đồng thời khuyến khích con đặt câu hỏi, nêu ý kiến. Nhờ vậy, trẻ hình thành khả năng tư duy logic (IQ), biết phân tích và nhận diện cảm xúc của bản thân (EQ).
2. Gia đình coi trọng giao tiếp cảm xúc
Trí tuệ cảm xúc không đến từ sách vở, mà đến từ những tương tác thường nhật trong gia đình. Ở những gia đình này, cha mẹ luôn ưu tiên giao tiếp bằng cảm xúc, không chỉ đơn thuần là hỏi: "Hôm nay con học gì?, mà còn quan tâm đến: "Hôm nay con cảm thấy thế nào?".
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường này học được cách gọi tên cảm xúc của mình, học cách kiềm chế, đồng cảm và bày tỏ suy nghĩ một cách lành mạnh.
Khi trẻ cảm thấy được lắng nghe và không bị phán xét, chúng trở nên tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm cá nhân, một yếu tố quan trọng trong cả trí tuệ và kỹ năng xã hội.
Ngoài ra, việc cha mẹ thường xuyên chia sẻ cảm xúc của chính mình, dù là vui, buồn hay lo lắng cũng dạy con cách sống chân thật và nhân văn hơn.
3. Gia đình khuyến khích sự độc lập từ sớm
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng thương con là làm hết cho con, nhưng trên thực tế, trẻ càng được làm chủ cuộc sống của mình càng sớm, thì khả năng tư duy độc lập, giải quyết vấn đề và sáng tạo càng mạnh.
Trong kiểu gia đình này, trẻ được khuyến khích tự chọn quần áo, sắp xếp đồ chơi, tự giải quyết những mâu thuẫn nhỏ với bạn bè... Dù là những việc nhỏ, nhưng tất cả đều là cơ hội để trẻ học cách quan sát, suy nghĩ và hành động một cách tự tin.
Điều đặc biệt là cha mẹ không bao giờ can thiệp quá sớm. Thay vì vội vàng giúp con khi gặp khó khăn, họ sẽ đặt câu hỏi gợi mở như: "Con nghĩ mình nên làm gì tiếp theo?" hay "Có cách nào khác để thử không?".
Điều này không chỉ giúp trẻ rèn luyện IQ qua tư duy giải quyết vấn đề, mà còn phát triển EQ nhờ việc kiểm soát cảm xúc khi mọi việc không như ý.
Cha mẹ không cần hoàn hảo, chỉ cần nhất quán và yêu thương
IQ và EQ không đến từ những lớp học kỹ năng đắt tiền hay những cuốn sách self-help cầu kỳ. Chúng được nuôi dưỡng âm thầm mỗi ngày, từ cách cha mẹ trò chuyện, lắng nghe, đặt kỳ vọng, tạo không gian cho con phát triển.
Một đứa trẻ có thể không cần quá nhiều thứ để lớn lên thông minh và giàu cảm xúc, chúng chỉ cần được sống trong một gia đình tôn trọng, kết nối và trao quyền làm chủ bản thân.
Và điều tuyệt vời nhất là: Cha mẹ không cần phải "biết hết mọi thứ" mới dạy được con giỏi. Chỉ cần luôn học hỏi cùng con, chính bạn cũng đang là tấm gương sống động nhất để con noi theo mỗi ngày.