Chào bạn, là tôi - một người từng nghĩ mình khá ổn chuyện tiền nong, cho đến khi 6 tháng đầu năm 2025 dạy cho tôi tỉnh người. Không phải vì thu nhập giảm, không phải vì chơi bời quá đà, mà vì tôi… quá tự tin rằng mình đã biết cách quản lý tài chính.
Dưới đây là những sai lầm tôi đã mắc phải, và tôi kể lại với hy vọng bạn sẽ tỉnh táo hơn tôi một chút.
1. Có tiền nhưng không biết mình tiêu gì
"Tiền đi đâu hết rồi?" - câu hỏi tôi lặp đi lặp lại ít nhất 5 lần mỗi tháng. Lương vẫn đều, thưởng vẫn có, nhưng ví thì lúc nào cũng "hạn hán". Nhìn lại app ngân hàng thì thấy nào là cà phê 60k, bánh ngọt 80k, vài ba đơn online nhỏ nhỏ… Gom lại là ra một con số "xỉu ngang".
Sai lầm : Không ghi chép chi tiêu. Tôi nghĩ "chắc mình tiêu không nhiều đâu", và rồi cuối tháng lại rút ví ra đếm từng đồng.
Rút kinh nghiệm : Dù bạn lương 7 triệu hay 70 triệu, hãy ghi lại mọi khoản đã tiêu . Có app thì dùng app, không thì xài Google Sheet. Quan trọng là phải biết tiền đang đi đâu .
Ảnh minh hoạ
2. Chi tiêu theo cảm xúc, không theo kế hoạch
Một ngày đẹp trời, tôi quyết định mua máy chạy bộ vì… thấy mấy TikToker review hay quá. Cái máy nặng trịch giờ đang nằm gọn ở góc nhà, làm giá treo đồ siêu tiện.
Sai lầm : Mua sắm vì cảm hứng, không cân nhắc nhu cầu thực tế.
Rút kinh nghiệm : Học cách "để dành mong muốn". Khi muốn mua gì đó, hãy để 3-5 ngày sau quay lại xem mình còn muốn nữa không. Nếu còn, hãy mua - ít nhất là bạn đã suy nghĩ đủ lâu.
3. Không có quỹ dự phòng, cứ nghĩ "chắc không sao đâu"
Tháng 3, tôi gặp vấn đề sức khỏe phải nằm viện 3 ngày. Tổng thiệt hại gần 10 triệu. Vấn đề không phải là số tiền, mà là tâm lý hoảng loạn vì… không có sẵn tiền mặt.
Sai lầm : Sống không quỹ dự phòng, cứ tưởng “gặp chuyện thì xoay được”.
Rút kinh nghiệm : Hãy để riêng ra ít nhất 1-3 tháng sinh hoạt phí, không đụng tới. Gửi tiết kiệm cũng được, bỏ tài khoản phụ cũng được - miễn là luôn có 1 khoản để “chống sốc” .
Ảnh minh hoạ
4. Lương tăng nhưng không nâng cấp tiết kiệm
Nửa đầu năm nay tôi tăng thu nhập kha khá nhờ làm thêm. Nhưng thay vì tiết kiệm nhiều hơn, tôi lại tiêu xả láng hơn. Từ trà sữa 1 lần/tuần thành 3 lần, từ xe máy "ôm" thành taxi, từ ăn cơm nhà thành ăn ngoài.
Sai lầm : Thu nhập tăng nhưng lối sống cũng "nâng cấp" theo.
Rút kinh nghiệm : Ghi nhớ nguyên tắc "tăng lương không đồng nghĩa tăng chi" . Mỗi khi thu nhập tăng, hãy giữ nguyên mức sống một thời gian, còn lại chia vào tiết kiệm hoặc đầu tư.
5. Chưa đầu tư vì… ngại tìm hiểu
Bạn tôi chơi chứng khoán, bạn khác mua trái phiếu, đứa kia gửi tích lũy online. Còn tôi? Vẫn để tiền nằm không trong tài khoản, không sinh sôi nảy nở gì ngoài… phí thường niên.
Sai lầm : Trì hoãn việc học cách đầu tư vì nghĩ "chưa nhiều tiền thì đầu tư làm gì".
Rút kinh nghiệm : Đầu tư không cần nhiều tiền, chỉ cần bắt đầu nhỏ và đều đặn . Có thể thử gửi tích lũy, mua quỹ mở, thậm chí là học cách dùng app đầu tư. Quan trọng nhất: đừng để tiền nằm im mãi .
Tạm kết
Nửa năm nhìn lại, tôi không hẳn “cháy túi” nhưng chắc chắn đã mất nhiều cơ hội để tài chính của mình khỏe mạnh hơn. May là còn kịp sửa. 6 tháng tới, tôi sẽ:
Theo dõi chi tiêu sát sao hơn. Mua sắm có suy nghĩ. Ưu tiên lập quỹ dự phòng. Tiết kiệm theo tỷ lệ thu nhập. Bắt đầu đầu tư từ những bước nhỏ
Còn bạn thì sao? Nửa năm qua tiền bạc đối xử với bạn thế nào - và bạn đã đối xử với tiền ra sao?