Tổng thư ký NATO Mark Rutte. (Ảnh: Reuters)
Trả lời báo giới ngày 20/5, Tổng thư ký NATO Mark Rutte nói rằng cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đánh dấu một bước phát triển tích cực.
Ông Rutte hoan nghênh “sự dẫn dắt” của Tổng thống Trump trong nỗ lực giải quyết xung đột Nga - Ukraine . Ông nói thêm rằng, tổng thống Mỹ đã "phá vỡ bế tắc" ngay từ "ngày đầu tiên" kể từ khi trở lại Nhà Trắng.
Tổng thư ký NATO thừa nhận “đã không có cuộc thảo luận nào với Nga" cho đến tháng 1, khi ông Trump bắt đầu "mở đường dây liên lạc" với ông Putin.
"Cho đến tháng 1, không có cuộc thảo luận nào với Nga. Tôi nghĩ điều tích cực là ông Trump đã bắt đầu mở các kênh liên lạc với ông Putin. Tất nhiên, bạn hy vọng có kết quả sớm nhất có thể, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng khả thi vì đây là một cuộc xung đột phức tạp", tổng thư ký cho biết.
Khi được hỏi liệu có nên tăng áp lực lên tổng thống Nga hay không, ông Rutte trả lời: "Chúng ta hãy biết ơn vì người Mỹ hiện đang nắm giữ vai trò dẫn dắt". Ông Rutte cho rằng sẽ không có lợi khi ông, với tư cách là một nhà lãnh đạo NATO, bình luận về mọi bước trong quá trình này.
Tuy nhiên, sự lạc quan mà tổng thư ký NATO thể hiện lại trái ngược hoàn toàn với những cảnh báo từ các nhà phân tích và phản ứng sau cánh cửa đóng kín tại các thủ đô châu Âu .
Theo Axios và The Wall Street Journal , cuộc gọi của ông Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước cuộc điện đàm với ông Putin diễn ra khá ngắn gọn.
Tổng thống Mỹ được cho là đã hỏi về những chủ đề mà ông nên nêu ra với nhà lãnh đạo Nga. Ông Zelensky nhấn mạnh nhu cầu ngừng bắn và các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn của Mỹ, đồng thời thúc giục ông Trump không đưa ra những quyết định về Ukraine mà không có sự tham gia của Kiev.
Sau cuộc gọi với Tổng thống Nga Putin, ông Trump tuyên bố Ukraine và Nga sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán ngừng bắn "ngay lập tức", với các điều khoản được hai bên thống nhất. Nhà lãnh đạo Mỹ ca ngợi cuộc điện đàm, và cho biết Nga muốn nối lại hoạt động thương mại với Mỹ sau xung đột.
Nhưng tờ The Financial Times , trích dẫn nguồn thạo tin, cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu không khỏi "sửng sốt" trước cách giải thích của ông Trump về những gì được thỏa thuận. Có một cảm giác rõ ràng rằng ông Trump không sẵn sàng tăng áp lực lên ông Putin để đảm bảo một con đường thực sự cho các cuộc đàm phán.
Ngay sau cuộc gọi, Điện Kremlin đã ra hiệu rằng Nga sẽ không chấp nhận lệnh ngừng bắn vô điều kiện. Ông Putin nhấn mạnh một "bản ghi nhớ" là bước đầu tiên, nhắc lại mục tiêu của Nga là "loại bỏ nguyên nhân gốc rễ" của cuộc chiến.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đặt ra nghi ngờ về kỳ vọng của ông Trump rằng các cuộc đàm phán song phương giữa Ukraine và Nga có thể bắt đầu "ngay lập tức".
Theo ISW, các cuộc đàm phán có ý nghĩa là không thể trong điều kiện hiện tại, khi Mátxcơva tiếp tục kéo dài quá trình thảo luận, từ chối thực hiện lệnh ngừng bắn trước khi đàm phán, từ chối nhượng bộ, phủ nhận tính hợp pháp của Chính phủ Ukraine. ISW kết luận rằng những yếu tố này ngăn cản việc bắt đầu các cuộc đàm phán thực sự, bất chấp các động thái ngoại giao.
Phát biểu của ông Rutte được đưa ra khi các thành viên NATO tìm cách tăng cường năng lực quân sự. Hồi tháng 3, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch huy động 800 tỷ euro để "tái vũ trang" Liên minh châu Âu (EU).
Chính quyền Tổng thống Trump cũng liên tục yêu cầu các quốc gia NATO ở châu Âu tăng chi tiêu quân sự hằng năm lên 5% GDP, gọi con số 2% là không đủ.
Các quan chức Nga đã lên án việc châu Âu hướng tới quân sự hóa và bác bỏ những tuyên bố rằng Mátxcơva có ý định tấn công EU hoặc NATO. Nga bày tỏ lo ngại rằng, thay vì ủng hộ các sáng kiến hòa bình của Mỹ cho cuộc xung đột Ukraine, EU và Anh lại đang chuẩn bị cho xung đột với Nga.