Tesla của Elon Musk khui trúng ‘mỏ vàng’: Từng không bán nổi 1 chiếc nhưng chỉ sau nửa năm đã bán ‘đắt như tôm tươi’ tại đây, suýt lọt vào top 3 thị trường lớn nhất của hãng dù chỉ có 4 đại lý

Đằng sau sự tăng trưởng nóng của Tesla tại thị trường này có thể không chỉ đến mức thuế thấp.

Tháng 1/2025, doanh số Tesla tại Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận con số 0 tròn trĩnh. Nhưng chỉ 5 tháng sau, tình hình đã thay đổi chóng mặt khi hơn 7.200 xe Tesla được bán ra tại thị trường này trong tháng 6. Con số này chỉ kém khoảng 500 xe so với Anh – thị trường lớn thứ 3 của Tesla sau Mỹ và Trung Quốc. Tại Anh, hãng xe điện của Elon Musk có 33 đại lý, trong khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, con số này chỉ là 4.

Đằng sau thành công bất ngờ trên là một thay đổi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Tesla ra mắt phiên bản Model Y với công suất giới hạn chỉ 160 kW (thay vì 220 kW như bản tiêu chuẩn). Phiên bản này đủ điều kiện hưởng mức thuế tiêu thụ đặc biệt (SCT) thấp hơn so với mẫu thông thường. Với mức giá dưới 1,45 triệu lira (36.200 USD), mẫu này chỉ chịu thuế SCT 10%, thay vì 60% áp dụng đối với mẫu hai động cơ có giá 1,8 triệu lira. Chênh lệch giá bán giữa hai phiên bản là khoảng 391.000 lira, nhưng tính sau thuế, mức chênh lệch thực tế lên tới gần 1,6 triệu lira – tương đương 40.000 USD.

Kết quả là, 3/4 doanh số Tesla tại Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu năm đến nay là mẫu Model Y 160 kW, phần lớn bán trong 2 tháng gần đây.

Dù vậy, nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về sự tăng trưởng này. “Các nước Nam Âu vốn đã khó khăn trong quá trình điện khí hóa. Thổ Nhĩ Kỳ còn gặp khó hơn nhiều vì cơ sở hạ tầng sạc điện còn hạn chế”, Felipe Munoz, chuyên gia của JATO Dynamics nhận xét.

Ngoài ra, thu nhập khả dụng bình quân đầu người tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ khoảng 9.372 USD. Do đó, mức giá sau thuế của Model Y vẫn là một khoản đầu tư với phần đông người tiêu dùng. Theo Munoz, đà tăng doanh số nhanh chóng trong bối cảnh hạ tầng hạn chế và thu nhập thấp không thể kéo dài lâu.

Trong bối cảnh này, một giả thuyết đáng chú ý được đặt ra. Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang đóng vai trò như một điểm trung chuyển cho xe Tesla xuất sang Nga – nơi doanh số xe mới đang phục hồi mạnh sau thời gian suy giảm vì xung đột Ukraine.

Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm, Nga tiêu thụ gần 1,3 triệu xe mới, 90% trong số đó là hàng nhập khẩu. Trong đó, có tới 56% là hàng “nhập khẩu song song”, tức là các xe được nhập mà không thông qua kênh chính thức từ nhà sản xuất.

“Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì quan hệ thương mại và ngoại giao với Nga. Ngoài ra, không có vấn đề gì về chuyến bay hay vận chuyển”, Munoz nhận định. “Tesla không phải hãng xe duy nhất tại châu Âu đang làm ngơ trước việc xe của họ được tái xuất sang Nga”.

Trong khi đó, tại Đức – thị trường xe điện lớn nhất châu Âu, doanh số xe Tesla giảm 58% xuống còn 8.900 chiếc trong nửa đầu năm nay, thấp hơn con số 12.300 tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh khó khăn, xoay nguồn cung từ Berlin sang Istanbul có thể là nước cờ chiến lược đối với Tesla, đặc biệt nếu một phần trong số đó đang được tuồn sang thị trường Nga.

“Các lệnh trừng phạt có thể tác động lớn đến dân Nga, nhưng người giàu ở Nga vẫn tìm mua xe sang. Bạn có thể thấy điều đó ngay trên đường phố Moscow”, Munoz nhận định.

Tham khảo: Fortune