Thấy gì từ các "đại gia" bất động sản livestream bán nhà?

Các "ông lớn" bất động sản đang đồng loạt bước vào cuộc chơi mới bán nhà qua sóng livestream. Chuyên gia cho rằng livestream chỉ là công cụ hiệu ứng truyền thông, tạo cảm giác sôi động để hỗ trợ quá trình bán hàng.

Cuộc chơi mới bán nhà qua sóng livestream

Vào giữa tháng 6 vừa qua, Công ty Cổ phần C‑Holdings đã phối hợp cùng BHS Group tổ chức phiên livestream giới thiệu và bán hàng cho dự án căn hộ The Felix (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương cũ).

Sự kiện gây chú ý khi có sự tham gia của ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) - Chủ tịch HĐQT của C‑Holdings trong vai trò người dẫn dắt buổi livestream bán nhà. Với hơn 1.000 căn hộ, dự án này có giá bán từ 33 triệu đồng/m2, lãi vay cố định 5,5% trong 5 năm.

Theo thống kê, phiên livestream thu hút 151.200 lượt xem, hơn 31.000 bình luận, 1,4 triệu lượt yêu thích và 1.200 số điện thoại để lại để được tư vấn. Kết quả, 517 booking (đặt cọc giữ chỗ) được ghi nhận ngay trong thời gian livestream.

Không chỉ C‑Holdings, vào đầu tháng 7, Sunshine Group cũng gây xôn xao thị trường khi đưa một chương trình livestream bán bất động sản lên sóng truyền hình quốc gia, đồng thời phát trực tiếp trên ứng dụng Noble App. Dự án đầu tiên "lên sóng" là Sunshine Green Iconic (Hà Nội) với căn hộ cao cấp 2 phòng ngủ.

Điểm nhấn của chương trình là mô hình đấu giá kín, với giá khởi điểm chỉ bằng 50% giá thị trường. Qua các vòng đấu giá, căn hộ này được bán thành công với mức 5,5 tỷ đồng, thấp hơn thị trường hơn 30%. Sunshine Group sau đó đã trích 500 triệu đồng từ giao dịch để đóng góp cho hoạt động thiện nguyện.

Không dừng lại ở một sự kiện, Sunshine Group cho biết trong các phiên livestream tiếp theo, các dự án của doanh nghiệp sẽ lần lượt "lên sóng".

Thực tế, hình thức livestream bán bất động sản đã diễn ra lâu nay, song chỉ mang tính cá nhân. Do vậy, những phiên livestream có sự tham gia của chủ doanh nghiệp lớn cho thấy một bước chuyển đáng kể. Dường như người "cầm trịch" thị trường không còn ở phía sau hậu trường, mà sẵn sàng bước ra sân khấu, trở thành gương mặt đại diện cho sản phẩm và tư duy phát triển mới.

Livestream giờ đây không chỉ là công cụ bán hàng của KOLs, KOCs mà đã trở thành kênh truyền thông, xúc tiến thương mại thu hút cả những người ở vị trí vốn dĩ rất xa công chúng. Từ vải thiều đến bất động sản cao cấp, từ bà con nông dân đến tập đoàn lớn, "chợ online" đang trở thành điểm gặp gỡ mới của mọi tầng lớp trong nền kinh tế thị trường số.

Báo cáo xu hướng tiếp thị bất động sản 2025 - cách đột phá trong thị trường cạnh tranh của MVV Academy chỉ ra rằng tiếp thị bất động sản ngày nay không còn chỉ là các hình thức truyền thống. Thay vào đó, các doanh nghiệp cần xây dựng các chiến dịch tiếp thị, truyền thông dựa trên sự am hiểu sâu sắc về hành vi của người mua nhà để đạt hiệu quả bán hàng cao nhất.

Nói cách khác, báo cáo nhấn mạnh sự thay đổi trong tư duy tiếp thị bất động sản. Thay vì chỉ tập trung vào việc phân phối thông tin sản phẩm một cách đơn giản, các doanh nghiệp cần hiểu rõ tâm lý, nhu cầu và hành vi của khách hàng mục tiêu để tạo ra những chiến dịch tiếp thị phù hợp và hiệu quả hơn.

"Điều này có thể bao gồm việc sử dụng các kênh truyền thông trực tuyến, phân tích dữ liệu khách hàng, cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm, và tận dụng công nghệ để tạo ra sự tương tác và gắn kết với khách hàng", báo của của MVV Academy cho hay.

Livestream bất động sản: Tạo tiếng vang, hỗ trợ bán hàng

Trước thông tin một số doanh nghiệp bất động sản tổ chức các buổi livestream bán hàng, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) nhìn nhận đây chủ yếu là một hình thức truyền thông thay vì thực sự chốt giao dịch trực tiếp.

"Livestream bất động sản thực chất chỉ là một phần trong chiến dịch marketing. Việc chốt căn trong lúc livestream thường là phần đã được chuẩn bị từ trước. Khách hàng đã tìm hiểu, được tư vấn kỹ, thậm chí đã đặt chỗ từ trước đó. Livestream chỉ là công cụ tạo hiệu ứng truyền thông, tạo cảm giác sôi động để hỗ trợ quá trình bán hàng", ông Toản phân tích.

Ông cũng nhận định, khác với các sản phẩm tiêu dùng như đồ gia dụng - nơi người mua có thể ra quyết định nhanh chóng dựa trên cảm xúc, bất động sản là sản phẩm giá trị lớn, đòi hỏi người mua phải cân nhắc kỹ lưỡng, tìm hiểu thông tin và pháp lý kỹ càng.

"Không ai mua nhà chỉ sau khi xem một buổi livestream. Việc giao dịch thật sự thường đã được chuẩn bị kỹ càng từ trước, và cả bộ máy bán hàng đã vận hành phía sau để hỗ trợ khách hàng đến bước cuối cùng", ông Toản nói.

Một chuyên gia bất động sản khác cũng đồng tình với quan điểm với ông Toản và cho rằng, livestream bất động sản tuy là xu hướng mới nhưng không dễ triển khai thành công. Trước khi C-Holdings tổ chức buổi phát trực tiếp bán nhà, nhiều cá nhân đã áp dụng hình thức tương tự để rao bán đất nền, nhà phố vùng ven TP.HCM. Tuy nhiên, phần lớn mang tính nhỏ lẻ, thiếu tính hệ thống.

Theo vị chuyên gia, sự kiện C-Holdings bước vào cuộc chơi với sự tham gia trực tiếp của Chủ tịch doanh nghiệp đã tạo được hiệu ứng lớn, nhờ mức độ nổi tiếng và sức hút cá nhân. Tuy vậy, chuyên gia này nhấn mạnh để bán được hàng qua livestream, dự án phải hội tụ nhiều yếu tố từ pháp lý, giá bán hợp lý, hạ tầng tốt cho đến khả năng truyền tải trải nghiệm thực tế và tạo được cảm xúc nơi người mua.

"Livestream chỉ phù hợp với các sản phẩm mang tính đại chúng, giá vừa phải và đã được thị trường ưa chuộng. Phần lớn người mua bất động sản vẫn có thói quen truyền thống gặp trực tiếp, xem thực tế rồi mới quyết định.

Dù vậy, về góc độ tiếp thị, việc livestream đang tạo ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản Việt Nam. Đây là bước đột phá về cách làm, cách tiếp cận và ứng dụng công nghệ. Trong thời gian tới, nhiều chủ đầu tư có thể sẽ học theo để tạo tiếng vang, hỗ trợ quá trình bán hàng", vị chuyên gia nhận định.