Thị trường nhà đất Mỹ đối mặt "một năm mất mát" do thuế quan

Hiện tại, lạm phát trong lĩnh vực nhà ở là một trong những vấn đề dai dẳng nhất, với chi phí liên tục tăng cao.

Trong bối cảnh thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump có nguy cơ làm bùng phát lạm phát và có khả năng đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, thị trường nhà đất vẫn ở trong tình trạng bấp bênh.

Bà Daryl Fairweather, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty môi giới bất động sản Redfin nhận định đây sẽ lại là một năm mất mát nữa đối với thị trường nhà đất xét về cung và cầu.

Bà Fairweather chỉ ra rằng tình trạng nguồn cung nhà ở hạn chế khó có thể được cải thiện, khi các công ty xây dựng sẽ không muốn xây vì phải đối mặt với thuế quan đối với vật liệu và tình trạng thiếu lao động do chính sách nhập cư.

Trong báo cáo quý được công bố tháng trước, công ty xây dựng nhà PulteGroup (PHM) cảnh báo rằng chi phí vật liệu xây dựng đã tăng lên. Các thành phần chính như thiết bị ống nước, máy nước nóng, gạch lát sàn, bộ ngắt mạch và trung tâm tải đều phải chịu mức thuế cơ bản 10%.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump đã giảm thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc và các đối tác thương mại khác, làm giảm nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ, nhưng mức thuế quan nhìn chung vẫn cao hơn nhiều so với đầu năm.

Các chuyên gia kinh tế như bà Fairweather dự đoán lạm phát sẽ tăng lên, ít nhất là tạm thời, điều này có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)

Bà Fairweather cảnh báo rằng giá cả tăng cao có thể gây khó khăn cho việc xây dựng, và điều này sẽ có tác động rộng khắp đến nền kinh tế. Hiện tại, lạm phát trong lĩnh vực nhà ở là một trong những vấn đề dai dẳng nhất, với chi phí liên tục tăng cao.

Tuy nhiên, bà Fairweather không cho rằng sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhà ở như năm 2008, khi nhiều chủ nhà mắc kẹt với các khoản thế chấp và buộc phải bán tháo.

Ông Lawrence Yun, kinh tế trưởng của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ (NAR), nhận định: "Theo thời gian, ngày càng có nhiều người buộc phải bán nhà, bất chấp lãi suất vay mua nhà vẫn ở mức cao". Ông lý giải rằng các yếu tố như kết hôn, ly hôn, thay đổi công việc, tìm kiếm trường học tốt hơn hoặc mất người thân đều khiến nhiều người phải di chuyển chỗ ở.

Dù vậy, theo số liệu từ NAR, số lượng nhà bán ra tại Mỹ trong năm ngoái vẫn ở mức thấp nhất kể từ năm 1995.

Đối với người mua, điều này lại mang đến một lợi thế: khi có nhiều người muốn bán hơn, mức độ cạnh tranh giữa người mua cũng giảm đi đáng kể. Những ai có đủ khả năng – hoặc buộc phải mua nhà vào thời điểm này – đang dần có thêm lợi thế khi số lượng nhà rao bán tăng lên so với số lượng người mua tiềm năng.

Tại các khu vực có nguồn cung hạn chế như Đông Bắc, Trung Tây và Nam California, giá nhà vẫn duy trì xu hướng tăng. Tuy nhiên, ở miền Nam và Tây Nam, giá nhà đang giảm. Cắt giảm giá – đặc biệt tại hai khu vực này – ngày càng phổ biến, trong khi thời gian trung bình để một căn nhà được bán ra đang kéo dài gần một năm.

Sau khi giá nhà tăng mạnh trong đại dịch COVID-19, Fed đã nâng lãi suất vào năm 2022, khiến nhiều chủ nhà – những người đã mua hoặc tái cấp vốn với lãi suất siêu thấp vào năm 2020-2021 – quyết định giữ nguyên chỗ ở. Kết quả là doanh số bán nhà lao dốc trong năm 2023 và 2024, trong khi giá vẫn duy trì ở mức cao.

Mặc dù xu hướng người dân không muốn bán nhà vì lãi suất vay mới cao hơn đang dần giảm bớt, khả năng mua nhà vẫn là một thách thức lớn trong năm nay. Trước cuộc bầu cử năm 2024, nhiều chuyên gia dự đoán lạm phát hạ nhiệt và Fed cắt giảm lãi suất sẽ giúp phục hồi thị trường vào năm 2025. Tuy nhiên, chính sách thuế quan mới và những thay đổi chính sách liên bang của Tổng thống Trump đã làm xáo trộn triển vọng này.

Thay vì giảm như kỳ vọng, lãi suất thế chấp vẫn dao động quanh mức 7%, khiến nhiều người mua e dè. Theo dữ liệu từ công ty cho vay thế chấp Fannie Mae, niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường nhà ở đã giảm so với năm ngoái. Dù tỷ lệ người cho rằng đây là thời điểm tốt để mua nhà đã tăng nhẹ từ 22% lên 24%, tỷ lệ người tin rằng đây là thời điểm thích hợp để bán lại giảm từ 63% xuống 62%.

Tâm lý tiêu dùng nói chung cũng suy yếu. Theo dữ liệu từ Đại học Michigan, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đã giảm 22% kể từ tháng 12/2024, phản ánh lo ngại về lạm phát, thị trường chứng khoán và tài chính cá nhân.