Nhà bếp là một trong những không gian được sử dụng nhiều nhất trong nhà. Nếu thiết kế và cách bố trí không hợp lý sẽ không chỉ làm giảm sự tiện dụng mà còn khiến người dùng mệt mỏi mỗi lần nấu nướng. Thế nên nhiều xu hướng từng được coi là đỉnh cao trong thiết kế bếp giờ đây đang được "thanh lọc". Không phải vì lỗi mốt, mà bởi chúng thực sự không còn phù hợp với nhịp sống hiện đại.
Dưới đây là 6 thiết kế bếp từng làm mưa làm gió một thời, giờ đang dần biến mất không dấu vết. Nếu bạn sắp sửa làm bếp mới thì có thể tham khảo ngay.
1. Bếp mở
Từng khiến nhiều người mê mẩn vì vẻ hiện đại, thoáng đãng và tiện lợi, bếp mở cho phép người nấu vừa nấu ăn vừa trò chuyện với người thân, lại giúp ăn gian diện tích với ánh sáng tự nhiên lan tỏa trong không gian. Nhưng khi bắt tay vào sử dụng, đặc biệt là với những gia đình nấu món Á nhiều dầu mỡ, mùi vị đậm thì bếp mở thực sự là một nỗi ám ảnh.
Lý do là dầu mỡ, mùi thức ăn bay khắp nhà khiến tường, quần áo ám mùi, sàn nhà đều dính dầu. Chưa kể nếu bạn lười dọn một chút, bếp mở sẽ phơi bày mọi ngóc ngách lộn xộn như bồn rửa bát đầy chén, mặt bếp lỉnh kỉnh đồ, khiến không gian sống mất điểm trầm trọng.
Nếu vẫn muốn bếp có cảm giác mở, hãy cân nhắc dùng cửa kính trượt, cửa xếp hoặc cửa túi để đóng/mở khi cần. Thêm 1 chi tiết trong nhà nhưng vừa tránh dầu mỡ vừa giữ được sự kết nối với không gian sinh hoạt.
2. Dàn tủ treo kín tường
Tủ bếp treo cao kín tường từng là "bảo bối" cho những căn bếp nhỏ, giúp tận dụng không gian tối đa. Nhưng thực tế sử dụng cho thấy phần lớn các ngăn tủ cao chót vót không hề tiện lợi. Đồ đạc để lên đó rất dễ quên, mỗi lần lấy phải trèo lên ghế mới với được. Đó là chưa kể một số gia đình còn gặp sự cố tủ treo rơi bất ngờ do lắp đặt kém chất lượng.
Thay vì dàn tủ treo kín tường, bạn hãy ưu tiên tủ thấp, tủ mở hoặc thiết kế xen kẽ các ngăn hở/kín để dễ quan sát và sử dụng. Với phần trên cùng ít dùng đến, bạn có thể để đồ dự trữ, đồ theo mùa để nhà cửa gọn gàng hơn.
3. Rổ xoay ở góc tủ
Từng được tung hô là "cứu cánh" cho những góc tủ bếp khó khai thác cách dùng, rổ xoay hay ray trượt góc bếp dần trở thành món trang trí đắt đỏ. Thế nhưng giá thành cao, sức chứa không nhiều, chuyển động không mượt và dễ hỏng sau thời gian sử dụng khiến nhiều người phải "quay xe" dùng tủ thường còn sướng hơn.
Gợi ý cho bạn là góc bếp hoàn toàn có thể sử dụng bản lề 165 độ và cửa đôi mở góc, kết hợp với ngăn kệ thông thường để tối ưu diện tích và dễ dàng thao tác. Thế nên nếu không quá đam mê thì cũng không cần dùng rổ xoay ở góc tủ đâu.
4. Tủ bếp toàn kệ ngăn
Thiết kế tủ toàn ngăn tầng từng rất phổ biến. Nhưng với thực tế nấu nướng bận rộn, người dùng nhanh chóng nhận ra việc phải cúi xuống và lục tung các ngăn kệ mỗi khi cần lấy món đồ là một cực hình. Chưa kể đồ đạc đủ loại kích cỡ thì việc sắp xếp trong kệ ngăn dễ trở nên lộn xộn và khó giữ sạch.
Thế nên thay vì chỉ làm ngăn kệ, hãy chuyển sang hệ tủ dạng ngăn kéo. Các ngăn kéo giúp phân chia rõ ràng, lấy đồ dễ, giữ cho bếp luôn gọn gàng. Với khu vực bồn rửa hoặc góc chết, bạn có thể dùng ngăn cánh mở hoặc khay lật để tối ưu công năng.
5. Thùng rác âm tủ
Từng được xem là món đồ xịn sò và tiện lợi, thùng rác âm tủ nhanh chóng bộc lộ loạt nhược điểm: Gây mùi nặng, đặc biệt trong mùa hè; dễ đọng nước, bẩn tủ và khó vệ sinh. Mỗi lần thay túi rác là một lần bực mình vì chật chội và khó thao tác.
Suy cho cùng, bạn chỉ cần sắm một chiếc thùng rác treo cửa tủ hoặc thùng dạng kéo có nắp, hoặc đơn giản là để thùng nhỏ bên cạnh khu vực sơ chế là đủ. Vừa tiện, vừa sạch, dễ kiểm soát rác thải mỗi ngày.
6. Viền chống tràn và gờ chắn trước mặt bếp
Viền chắn nước phía sau và gờ chắn mặt trước từng là chi tiết không thể thiếu khi lắp bàn bếp. Nhưng giờ đây, chúng bị đánh giá là lỗi thời, rối mắt và siêu khó vệ sinh vì bám bẩn, nấm mốc trong kẽ.
Thiết kế hiện đại ưa chuộng mặt bếp phẳng, liền khối vì đẹp và dễ lau dọn. Nếu bạn muốn ngăn nước tràn vào kẽ thì chỉ cần thi công mặt tường thật phẳng khi dán gạch hoặc ốp đá, giúp phần tiếp giáp khít và dễ bảo trì hơn.
Nguồn: Toutiao