Tiết kiệm 17 triệu/tháng, bảng chi tiêu của cô gái 26 tuổi khiến nhiều người thốt lên: “Khiếp thật”

Chi tiêu, tiết kiệm thế này thì phải gọi là quá khéo, không chê được điểm nào!

Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm - kiến thức quản lý tài chính, tâm sự của một cô gái 26 tuổi khiến nhiều người khen không ngớt lời. Thậm chí, nhìn cách cô chi tiêu, có người còn thảng thốt: “Đố ai tìm ra được điểm nào để chê đấy?”.

Thu nhập 25-29 triệu, tiết kiệm 17 triệu/tháng đều như vắt tranh

Trong bài đăng của mình, cô cho biết: “Hiện tại, tổng thu nhập của em dao động khoảng 25-29 triệu tuỳ tháng. Em mong được mọi người tư vấn về các mục sau ạ.

1. Em có nên tìm người ở cùng để đỡ tiền phòng không? Trước đó em ở cùng bạn nên hàng tháng chỉ tốn khoảng 1,5 triệu tiền thuê nhà nhưng giờ bạn chuyển đi, mình em ở nên em thấy 3 triệu/tháng tiền thuê nhà là hơi nhiều, nhưng em cũng sợ ở cùng người lạ lại sinh mâu thuẫn hoặc có chuyện không hay.

2. Em sắp đi du lịch, cần chứng minh tài chính nên chưa có tiền mua vàng mỗi tháng. Đi du lịch xong thì em tính mua vàng tích sản (từ tháng 9/25). Liệu em có nên mua vàng bây giờ không ạ?”.

Các khoản chi tiêu hàng tháng do cô chia sẻ

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người bày tỏ quan điểm rằng cách chi tiêu hiện tại của cô là rất ổn rồi. Thu nhập chừng đó mà chi 3 triệu/tháng để thuê nhà thì cũng hợp lý chứ không có gì lãng phí, cần lăn tăn. Dù sao mỗi tháng tiết kiệm được tới 17 triệu cũng là quá đáng nể và đáng khen rồi!

“Trời ơi sao giỏi quá vậy, thấy khâm phục luôn á. Mình thấy với mức thu nhập của bạn thì bỏ ra 3 triệu để ở 1 mình cũng đáng, chẳng có gì lãng phí. Hồi đó mình lương có 10 triệu nhưng dám bỏ ra 2 triệu để ở 1 mình đây, đi làm cả ngày mệt về nhà được thoải mái tự do thì cũng có động lực kiếm tiền hơn í” - Một người động viên.

“Tiết kiệm khiếp thật sự! Sao tiền ăn có 2 triệu ít vậy ta? Nếu sức ăn ít thì không sao chứ nếu phải nhịn ăn hoặc không dám chi tiền ăn để tiết kiệm thì nên xem lại nha, ăn uống thoải mái đủ chất mới được. Nhìn lại mình thấy hổ thẹn ghê, lương có mười mấy triệu mà ăn hết 5-6 triệu rồi…” - Một người khác cảm thán.

“Vẫn dư 17 triệu/tháng thì ở 1 mình vẫn ổn bạn ơi. Thu nhập bạn đang ổn, chi tiêu cũng ổn nên không cần dè sẻn quá đâu. Bạn có thể tăng thêm 1 triệu cho tiền ăn và khoảng 500k để giải trí linh tinh cho khuây khoả” - Một người gợi ý.

Chi bao nhiêu tiền thuê nhà là hợp lý?

Câu hỏi về việc tiền thuê nhà nên chiếm bao nhiêu phần trăm thu nhập cá nhân luôn là một vấn đề nan giải, đặc biệt trong bối cảnh giá thuê nhà ngày càng leo thang, còn thu nhập thì lại có xu hướng giảm mạnh.

Ảnh minh họa

Không có một con số cố định nào phù hợp với tất cả mọi người, bởi tỷ lệ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức thu nhập, chi phí sinh hoạt, vị trí địa lý và ưu tiên cá nhân. Tuy nhiên, việc xác định một ngưỡng hợp lý là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự cân bằng trong cuộc sống.

Một nguyên tắc phổ biến và được nhiều chuyên gia tài chính khuyên dùng là "Quy tắc 30%”. Theo quy tắc này, chi phí thuê nhà (bao gồm cả các chi phí liên quan trực tiếp như điện, nước, phí dịch vụ,...) không nên vượt quá 30% tổng thu nhập thực nhận.

Vậy tại sao lại là 30%?

Ngưỡng 30% không phải là một con số ngẫu nhiên mà được hình thành dựa trên sự cân bằng giữa việc đáp ứng nhu cầu ở cơ bản và duy trì khả năng chi trả cho các khía cạnh quan trọng khác của cuộc sống.

1 - Đảm bảo khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu khác

Cuộc sống không chỉ có tiền thuê nhà. Một phần lớn thu nhập của bạn cần được dành cho các nhu cầu thiết yếu khác như ăn uống, đi lại, chi phí y tế, giáo dục, và các khoản trả nợ (nếu có).

Nếu chi phí thuê nhà chiếm một tỷ lệ quá lớn, nó sẽ "ăn mòn" ngân sách dành cho những nhu cầu này, dẫn đến tình trạng thắt lưng buộc bụng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và thậm chí gây ra căng thẳng tài chính. Việc giữ chi phí thuê nhà ở mức 30% giúp bạn có đủ nguồn lực để trang trải những nhu cầu cơ bản một cách thoải mái hơn.

2 - Duy trì khả năng đạt được các mục tiêu tài chính

Ngoài các nhu cầu thiết yếu, việc tiết kiệm và đầu tư là vô cùng quan trọng cho tương lai tài chính của bạn. Các mục tiêu như mua nhà, nghỉ hưu, hoặc đơn giản là xây dựng một quỹ dự phòng cho những tình huống bất ngờ đều đòi hỏi sự tích lũy theo thời gian.

Ảnh minh họa

Nếu phần lớn thu nhập bị "giam cầm" bởi tiền thuê nhà, bạn sẽ có rất ít hoặc không còn nguồn lực để dành cho những mục tiêu này. Quy tắc 30% chừa lại một “không gian” cho các mục tiêu tài chính, cho phép bạn xây dựng nền tảng tài chính vững chắc và hướng tới tương lai ổn định hơn.

3 - Tạo ra sự linh hoạt tài chính và ứng phó với các biếđn cố

Cuộc sống luôn tiềm ẩn những bất ngờ: mất việc, ốm đau, hỏng hóc đồ đạc... Những sự kiện này có thể phát sinh những chi phí khó mà lường trước. Nếu phần lớn thu nhập đã được dành cho tiền thuê nhà, bạn sẽ rất khó khăn để ứng phó với những biến cố này, dễ rơi vào tình trạng nợ nần. Việc giữ chi phí thuê nhà ở mức hợp lý tạo ra một "vùng đệm" tài chính, giúp bạn có khả năng đối phó tốt hơn với những tình huống khẩn cấp mà không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính chung.