Tỉnh Nghệ An làm việc với SK về dự án điện khí LNG 2,2 tỷ USD

Cuối năm 2024, tỉnh Nghệ An đã nhận được 5 bộ hồ sơ dự thầu cho dự án điện khí LNG Quỳnh Lập, nhưng một đơn vị đã trở nên nổi bật hơn với liên tiếp 2 cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh.

Ngày 2/7, UBND tỉnh Nghệ An làm việc với Đoàn công tác Tập đoàn SK (Hàn Quốc) để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nội dung chính của buổi làm việc là nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập.

Đây là lần thứ hai Tập đoàn SK làm việc với tỉnh Nghệ An về dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Quỳnh Lập (nay đặt tại phường Tân Mai). Lần làm việc trước diễn ra vào tháng 4/2025.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và lãnh đạo Tập đoàn SK thảo luận về vị trí xây dựng các hạng mục, tiến độ đấu thầu Nhà máy nhiệt điện LNG Quỳnh Lập; một số hạng mục dùng chung giữa Nhà máy nhiệt điện LNG Quỳnh Lập và Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa).

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thành Vinh đã thông tin cơ bản về dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Quỳnh Lập, khẳng định tỉnh Nghệ An mong muốn Tập đoàn SK sẽ đầu tư dự án. Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư triển khai dự án.

Từ tháng 6/2025, tỉnh Nghệ An đã xác định sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo phương án đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu hoặc chỉ định thầu đối với dự án khẩn cấp theo quy định của Luật Điện lực 2024.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Quỳnh Lập thực hiện tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An (nay là phường Tân Mai, tỉnh Nghệ An) có công suất 1.500MW (gồm 2 tổ máy x 750MW) sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, kho và hệ thống tái hóa LNG; Bến cảng tiếp nhận LNG cho tàu có trọng tải từ 100.000DWT đến 150.000DWT và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của nhà máy sẽ nhập khẩu LNG khoảng 1,15 triệu tấn/năm.

Dự kiến tổng mức đầu tư của Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Quỳnh Lập khoảng 2,11 tỷ USD, bao gồm các hạng mục: Nhà máy điện khí LNG, kho chứa khí, cảng tiếp nhận, đê chắn sóng và các công trình phụ trợ trên tổng diện tích khoảng 210 - 360 ha và cảng tiếp nhận tàu có trọng tải khoảng 100.000 DWT. Dự án dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn trước năm 2030.

Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập là một trong 14 dự án nhiệt điện khí thuộc danh mục các công trình nguồn điện quan trọng, được ưu tiên đầu tư đến năm 2030.

Đã có 5 "liên minh" chờ thầu dự án điện khí LNG Quỳnh Lập

Cuối năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay đã sáp nhập vào Sở Tài chính) tỉnh Nghệ An đã nhận được 5 bộ hồ sơ dự thầu từ 5 nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm:

(1) Liên danh Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - POW), Công ty TNHH Mía đường Nghệ An và SK E&S CO.,LTD với nhu cầu diện tích 332,28ha (gồm 59,75ha đất và 272,53ha mặt nước).

(2) Tổng Công ty Phát điện 1 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) với yêu cầu diện tích 260ha (gồm 60ha đất và 200ha mặt nước).

(3) Liên danh Công ty POSO International (Hàn Quốc) và CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam với diện tích yêu cầu 345,3ha (gồm 95,55ha đất và 249,75ha mặt nước). Đối với thị trường Việt Nam, Công ty Posco International đã có kinh nghiệm trong việc vận hành nhà máy điện Mông Dương 2.

(4) Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) với nhu cầu 182,63ha (gồm 65,6ha đất và 117,13ha mặt nước).

(5) Liên danh CTCP Đầu tư Năng lượng Bamboo Việt Thành và Gulf Petroleum Limited (Qatar) với diện tích yêu cầu 175,9ha (gồm 57,9ha đất và 118ha mặt nước).