Trung Quốc chưa là gì, ở quốc gia 5 triệu dân này, xe xăng giờ như "động vật sách đỏ": Ít ai còn thấy nữa

Tại quốc gia chỉ có 5 triệu dân, những chiếc xe ô nhiễm bị đánh thuế cao đến mức không còn đất sống.

Tại Na Uy, nhìn đâu người ta cũng thấy xe điện.

Quốc gia Bắc Âu giàu có, vốn nổi tiếng với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ ở Biển Bắc, từ lâu đã đi tiên phong trong cuộc chuyển đổi từ bỏ xe sử dụng động cơ đốt trong.

Nhờ một loạt các biện pháp hỗ trợ ổn định cho việc phổ cập xe điện, từ miễn thuế đến giảm các loại phí, Na Uy hiện đang đứng trước ngưỡng cửa xóa sổ hoàn toàn xe chạy xăng và diesel khỏi thị trường ô tô mới.

Theo Hiệp hội Xe điện Na Uy (NEVA) - tổ chức đại diện cho các chủ sở hữu xe điện trong nước, tại một số thành phố lớn, khoảng 30% tổng số xe lưu thông trên đường hiện nay là xe thuần điện. Riêng tại thủ đô Oslo, tỷ lệ này lên đến 40%.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi đứng chờ sang đường ở trung tâm thành phố Oslo, bạn sẽ thấy một dòng xe điện gần như bất tận nối đuôi nhau dừng lại.

“Sự thay đổi này hiện hữu rất rõ. Tôi nghĩ nhiều người thậm chí không nhận ra điều này tuyệt vời đến mức nào vì mọi thứ diễn ra quá nhanh,” bà Christina Bu, Tổng thư ký NEVA, chia sẻ với CNBC.

“Không khí trong lành hơn, đường phố yên tĩnh hơn, và đây là một sự thay đổi không thực sự khiến người tiêu dùng tốn kém. Họ thực sự yêu thích việc lái xe điện và mọi thứ vận hành khá suôn sẻ”, bà Bu cho biết.

Doanh số xe điện của Na Uy đã tăng vọt từ mức dưới 1% tổng doanh số ô tô vào năm 2010 lên 88,9% vào năm ngoái — và xu hướng này không hề có dấu hiệu chậm lại.

Dữ liệu do Cục Quản lý Đường bộ Công cộng Na Uy công bố cho thấy, tính từ đầu năm 2025 đến nay, xe điện chiếm hơn 93% số lượng xe mới được bán ra.

Để so sánh, trong vài tháng đầu năm 2025, doanh số xe điện chỉ chiếm 15,4% tổng thị phần tại Liên minh Châu Âu (Na Uy không phải là thành viên EU). Tại Mỹ, thị phần doanh số xe điện chở khách mới đạt 10% vào năm 2023, theo Viện Rocky Mountain, một bước nhảy vọt so với mức chỉ 1% vào năm 2017.

Chính sách ưu đãi và hạ tầng công cộng

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Na Uy, bà Cecilie Knibe Kroglund, khẳng định thành công của đất nước trong việc từ bỏ xe động cơ đốt trong đến từ những chính sách nhất quán và dài hạn.

“Chúng tôi có rất nhiều ưu đãi về thuế và các chính sách khuyến khích người dùng, đây là những yếu tố quan trọng nhất. Và tất nhiên, không thể thiếu cơ sở hạ tầng,” bà Kroglund chỉ ra.

Một số ưu đãi tiêu biểu cho xe điện tại Na Uy bao gồm miễn thuế Giá trị gia tăng (VAT), giảm thuế đường bộ, phí đỗ xe và cho phép đi vào làn đường dành cho xe buýt. Chính phủ cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng sạc công cộng, và phần lớn các hộ gia đình Na Uy đều có thể sạc xe tại nhà.

Việc không có sự vận động hành lang từ các nhà sản xuất ô tô trong nước cũng được xem là một yếu tố thuận lợi cho tỷ lệ chấp nhận xe điện của Na Uy trong nhiều năm qua.

Bà Bu của NEVA cho biết, quốc gia 5,5 triệu dân này vừa đạt cột mốc mới với 10.000 trạm sạc nhanh trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc triển khai các trạm sạc này chưa đồng đều, tập trung nhiều ở phía nam hơn là khu vực phía bắc xa xôi.

Dù vậy, số lượng trạm sạc nhanh ngày càng tăng đã đập tan những lo ngại trước đó rằng lưới điện quốc gia sẽ không thể đáp ứng nổi.

“Na Uy đã duy trì các chính sách mạnh mẽ trong nhiều năm. Vấn đề không chỉ là miễn thuế cho xe điện mà còn là việc áp thuế ngày càng cao đối với xe động cơ đốt trong. Trong khoảng ba năm trở lại đây, các loại thuế mua xe nói chung đã tăng gấp đôi – trong khi mức khởi điểm vốn đã rất cao,” bà Bu phân tích.

Bà nói thêm: “Ở Na Uy, những chiếc xe gây ô nhiễm bị đánh thuế cao đến mức không còn đất sống.”

Tuy nhiên, hành trình trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xe điện của Na Uy cũng vấp phải những ý kiến trái chiều.

Một số nhà lập pháp bày tỏ quan ngại về tính công bằng của các chính sách ưu đãi, cho rằng chúng có thể mang lại lợi ích không tương xứng cho nhóm người có thu nhập cao, đồng thời có nguy cơ làm giảm đi sự chú trọng vào các phương thức giao thông bền vững khác như đi bộ và đi xe đạp.

Na Uy, với mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2030, cũng đối mặt với câu hỏi về vai trò của mình trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu. Nền kinh tế quốc gia này phụ thuộc lớn vào doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch, tạo ra một nghịch lý so với các tham vọng xanh đã tuyên bố. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt chính là tác nhân hàng đầu gây ra khủng hoảng khí hậu.

Lộ trình tiếp theo

Bà Kroglund cho biết, trong tương lai, Na Uy có kế hoạch điện hóa hoàn toàn xe buýt đô thị vào năm 2025 và đặt mục tiêu 75% phương tiện vận tải hạng nặng sử dụng năng lượng tái tạo vào cuối thập kỷ này.

“Chúng ta phải thừa nhận rằng giao thông vận tải có vai trò trong biến đổi khí hậu. Tôi nghĩ rằng 30% ô nhiễm đến từ ngành giao thông, vì vậy chúng ta phải hành động,” bà Kroglund nói.

“Chúng tôi phải tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực khác của ngành giao thông, như xe buýt đô thị. Các số liệu ở mảng này cũng rất khả quan, nhưng cấp độ tiếp theo chính là các phương tiện vận tải hạng nặng,” bà kết luận.