Do thói quen tiết kiệm của nhiều gia đình, nhiều bộ đồ ăn trong nhà họ có thể được sử dụng qua nhiều năm mà không thay mới. Ngay cả một đôi đũa tre cũng có thể đã được sử dụng trong thời gian lâu dài và bị mốc. Họ nghĩ rằng chúng vẫn có thể sử dụng được sau khi rửa sạch. Tuy nhiên, những đôi đũa mốc này thực tế chứa chất cực độc, tương đương với việc tự đầu độc mỗi ngày.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết: kết quả xét nghiệm cho thấy, 38% những đôi đũa đã sử dụng trong thời gian hơn nửa năm có chứa aflatoxin, 65% có chứa tụ cầu vàng và còn phát hiện được cả vi khuẩn Helicobacter pylori!
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế phân loại aflatoxin là chất gây ung thư rõ ràng loại 1. Nếu bạn liên tục tiêu thụ 1 nanogram trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày, ví dụ, nếu một người lớn nặng 60kg và liên tục tiêu thụ 60 nanogram aflatoxin mỗi ngày, thì nguy cơ ung thư gan sẽ tăng lên 4,6 lần! 1 nanogram bằng 0,001 microgram! Vì vậy, aflatoxin là một chất cực kỳ độc hại.
Các nghiên cứu có liên quan cho thấy liều gây chết trung bình của aflatoxin là 1,2 mg cho mỗi kg trọng lượng cơ thể! Liều gây chết trung bình của asen (thạch tín) là 14,6 mg cho mỗi kg trọng lượng cơ thể, điều đó có nghĩa là aflatoxin độc hơn 12 lần so với asen - chất mà chúng ta cho là cực độc!
Độc tố Aflatoxin - nguyên nhân gây ra căn bệnh hiểm nghèo
Cách đây chưa lâu, một ngôi làng ở Quảng Tây (Trung Quốc) phát hiện tỷ lệ mắc bệnh ung thư gan của người dân cao đột biến. Sau đó, thông qua nghiên cứu thống kê, người ta phát hiện ra rằng lý do những người này bị ung thư gan là do họ ăn đậu phộng, trong đó có thể có một số hạt đậu phộng bị mốc. Đậu phộng mốc có chứa aflatoxin, thủ phạm gây ung thư gan.
Nấm mốc aflatoxin dưới kính hiển vi
Năm 1974, 397 người bị bệnh và 106 người tử vong ở miền Tây Ấn Độ sau khi ăn ngô mốc, nguyên nhân thực chất là do aflatoxin gây ra.
Điều này cũng đang xảy ra trong nhiều gia đình hiện nay. Nếu sử dụng đũa gỗ, đũa tre trong hơn ba tháng, chúng có thể dần dần chứa độc tố aflatoxin. Một số người nói rằng đũa gỗ dùng ở nhà được luộc trong nước sôi để đảm bảo diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, nhiệt độ cao nhất của nước sôi chỉ là 100 độ, nhưng Aflatoxin không thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100 độ, mà chúng chỉ có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 280 độ. Bởi vậy, trong gia đình, bạn không có cách nào để thực sự tiệt trùng đũa gỗ.
Do đó, nếu đũa bị nhiễm aflatoxin thì dù bạn có dùng máy tiệt trùng hay đun sôi trong nước cũng vô dụng. Nếu bạn sử dụng những đôi đũa này để ăn trong thời gian dài, bạn sẽ nạp vào cơ thể chất aflatoxin mỗi ngày, dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư gan cao hơn so với người bình thường.
Đũa gỗ dù vệ sinh hàng ngày vẫn có thể "bẩn" hơn bạn nghĩ
Hơn nữa, những đôi đũa gỗ đã sử dụng hơn nửa năm này không chỉ chứa độc tố aflatoxin mà còn chứa cả vi khuẩn Staphylococcus aureus (hay còn gọi là tụ cầu vàng). Staphylococcus aureus không chịu được nhiệt độ cao và có thể bị tiêu diệt khi đun ở nhiệt độ 70 độ trong 30 phút, do đó, Staphylococcus aureus thông thường có thể bị tiêu diệt trong tủ khử trùng.
Tuy nhiên, nếu không được tiệt trùng đúng cách, tụ cầu vàng tồn tại trong các đôi đũa có thể sản sinh ra độc tố gây tiêu chảy, đặc biệt là đối với người già hoặc trẻ em. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới: Tụ cầu vàng gây ra khoảng 10 triệu trường hợp ngộ độc thực phẩm trên toàn thế giới mỗi năm.
Ngoài tụ cầu vàng, những đôi đũa gỗ dùng lâu ngày này còn có thể chứa vi khuẩn Helicobacter pylori, một loại vi khuẩn chủ yếu sống trong dạ dày và tá tràng của con người. Nó có thể dễ dàng xâm nhập vào niêm mạc, làm tổn thương lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày và ruột non, khiến axit dạ dày xâm nhập vào bên trong và gây ra các vết loét. Theo số liệu thống kê có liên quan: 90% bệnh loét tá tràng và 70%~80% bệnh loét dạ dày là do vi khuẩn Helicobacter Pylori gây ra.
Do đó, để đảm bảo vệ sinh và an toàn cho sức khoẻ, các tổ chức y tế đều khuyến cáo người dân nên thay đũa ăn trong gia đình 6 tháng/lần, và 3 tháng/lần đối với dụng cụ ăn uống dành cho trẻ em. Nếu đũa gỗ, đũa tre có hiện tượng mốc trước khoảng thời gian này, bạn nên vứt bỏ ngay. Hàng ngày, sau khi rửa chén đũa, hãy đảm bảo phơi chúng khô ráo dưới ánh nắng mặt trời. Việc này có thể giúp diệt khuẩn và ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc.