Ngày 1/7/2013, anh Lâm ở Phúc Kiến, Trung Quốc, gặp rắc rối nghiêm trọng trong kinh doanh khiến chuỗi vốn bị đứt gãy. Vì cần tiền gấp, người đàn ông này tìm đến người bạn thân lâu năm là anh Trần và hỏi vay 40.000 NDT (hơn 143 triệu đồng) để giải quyết tình hình.
Cảm thông trước hoàn cảnh của bạn, anh Trần đồng ý giúp đỡ. Hai người lập hợp đồng vay, trong đó ghi rõ anh Lâm phải hoàn trả toàn bộ số tiền trước ngày 30/8/2013. Tuy nhiên, ngày đáo hạn trôi qua mà anh Lâm không hề có động thái trả nợ. Anh Trần cho rằng bạn mình có thể vẫn đang gặp khó khăn nên quyết định tiếp tục chờ đợi. Về phần mình, anh Lâm cũng hoàn toàn im lặng, dường như đã lãng quên cam kết năm xưa.
Mãi đến năm 2024, khi gia đình gặp tình huống cần tiền gấp, anh Trần mới nhớ lại khoản vay năm nào và quyết định liên lạc với anh Lâm để yêu cầu hoàn trả. Tuy nhiên lúc này, anh Lâm tỏ ra dửng dưng, còn giả vờ không nhớ từng vay tiền bạn mình. Sau khi anh Trần đưa giấy nợ ra, người đàn ông này lập tức trở mặt, tuyên bố thẳng thừng rằng vì thời hiệu yêu cầu trả nợ đã hết nên anh ta không có nghĩa vụ phải hoàn trả tiền. Theo đó, thời hiệu khởi kiện đòi nợ là thời hạn mà bên cho vay nợ được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Nếu thời hạn đó kết thúc thì bên cho vay nợ mất quyền khởi kiện.
Không thể chấp nhận cách hành xử của bạn cũ, anh Trần·quyết định đệ đơn kiện người này lên tòa án để đòi lại công bằng.
Tại tòa, anh Trần xuất trình hợp đồng vay có chữ ký của hai bên. Tuy nhiên, anh Lâm phản biện rằng theo hợp đồng, hạn trả nợ là ngày 30/8/2013 nhưng anh Trần không có bất kỳ hành động đòi nợ nào cho đến năm 2024. Do đó, anh ta khẳng định quyền yêu cầu khởi kiện đã hết hạn theo luật định.
Ảnh minh hoạ: Internet
Tòa án sau khi xem xét vụ việc đã đưa ra phán quyết bác bỏ đơn kiện của anh Trần. Theo Bộ luật Dân sự Trung Quốc, thời hiệu yêu cầu tòa án bảo vệ quyền dân sự là 2 năm. Trong vụ việc này, thời hiệu tính từ ngày 30/8/2013 và đã kết thúc vào ngày 29/8/2015. Vì không có bằng chứng nào cho thấy thời hiệu bị gián đoạn hoặc đình chỉ bởi những trở ngại khách quan - những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình. Do đó, yêu cầu khởi kiện của anh Trần không còn giá trị pháp lý.
Phán quyết này của toà án địa phương là lời nhắc nhở sâu sắc cho những ai đang có các giao dịch tài chính cá nhân. Theo quy định pháp luật Trung Quốc, thời hiệu khởi kiện có thể bị gián đoạn nếu xảy ra một trong các trường hợp sau: người có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ; bên có nghĩa vụ đồng ý thực hiện; nộp đơn kiện hoặc trọng tài; hoặc các hành động tương đương khác. Như vậy, chỉ một tin nhắn nhắc nhở, một cuộc trò chuyện hay một thỏa thuận cam kết bằng lời – nếu được ghi lại làm bằng chứng – cũng đủ để làm gián đoạn thời hiệu và khởi động lại từ đầu. Đáng tiếc, anh Trần đã không có bất kỳ động thái nào trong suốt nhiều năm.
Trường hợp của anh Trần không chỉ là một bài học pháp lý, mà còn là lời cảnh tỉnh về ranh giới giữa lòng tin và nghĩa vụ. Khi cho vay tiền, dù với người thân hay bạn bè, cần ký hợp đồng đầy đủ, nêu rõ thời hạn, lãi suất và phương thức trả nợ. Quan trọng không kém, người cho vay cần theo dõi sát thời gian, chủ động đòi nợ và lưu giữ chứng cứ liên quan. Về phía người vay, họ cũng cần giữ chữ tín, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đúng hạn. Một xã hội pháp quyền chỉ thực sự phát triển khi các giao dịch được thực hiện trên cơ sở minh bạch, thiện chí và đúng luật.
Theo Sohu