Việt Nam chốt điều đặc biệt cho 25 dự án hơn 100 tỷ USD, 3 đại bàng Trung Quốc lập tức ngỏ ý thông qua DN Việt, công nghệ đằng sau có gì?

Doanh nghiệp Trung Quốc tìm hiểu phương án phát triển hạ tầng đường sắt đô thị tại Việt Nam thông qua doanh nghiệp Việt.

Theo Kết luận phiên họp Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt sáng 26/4, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan sớm hoàn thiện nghị quyết thống nhất cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Quốc hội trước 5/5.

Trước đó, vào ngày 19/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM.

Ngày 19/2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM. Theo kế hoạch, Hà Nội đến năm 2030 sẽ xây 10 tuyến với tổng chiều dài 413km, nhu cầu vốn khoảng 37 tỷ USD; đến năm 2045 tiếp tục đầu tư thêm 5 tuyến dài hơn 200km, cần 18 tỷ USD.

TP.HCM đặt mục tiêu đến 2035 hoàn thiện 7 tuyến dài 355km, vận tải công cộng đáp ứng 40-50% nhu cầu đi lại, và xây thêm 3 tuyến sau năm 2035. Tổng nhu cầu vốn xây đường sắt đô thị đến 2060 của TP.HCM ước tính hơn 100 tỷ USD.

Cũng vào ngày 19/02, tại Hà Nội, Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Tập đoàn đã có buổi gặp và làm việc với đoàn công tác các đơn vị đến từ Trung Quốc là Tập đoàn Đường sắt Trùng Khánh, Công ty TNHH Đầu máy Đường sắt CRRC Trường Xuân và Công ty TNHH Viện Nghiên cứu & Thiết kế Đường sắt Trùng Khánh, cùng tìm hiểu phương án phát triển hạ tầng đường sắt đô thị, tiềm năng hợp tác triển khai tuyến đường sắt đơn ray (MonoRail), hướng đến giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và tối ưu hóa phát triển đô thị tại Việt Nam. Chương trình được triển khai theo đề xuất từ phía các doanh nghiệp nước bạn.

Tại buổi làm việc, “ngay sau khi Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã nghĩ ngay đến cần phải gặp và làm việc với Tập đoàn Đèo Cả - doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam về đầu tư, xây dựng các công trình giao thông, để xúc tiến các công việc có triển vọng hợp tác trong thời gian tới”, bà Wang Jing - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đường sắt Trùng Khánh cho biết.

Không chỉ vậy, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ hỗ trợ kỹ thuật nhiều dự án đường sắt tại Việt Nam. Cụ thể, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Trung Quốc, vào 15/4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký kết loạt văn kiện quan trọng với các đối tác Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án đường sắt chiến lược. Theo đó, phía Trung Quốc cam kết hỗ trợ kỹ thuật trong việc lập quy hoạch các tuyến đường sắt.

Theo China Daily, Tập đoàn Đường sắt Trùng Khánh (Trung Quốc) đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đặc biệt là hệ thống đường sắt đơn ray (monorail) và hệ thống tàu điện ngầm.

Trong đó có hệ thống điều khiển thông minh, Tập đoàn đã triển khai hệ thống điều khiển tàu tự động dựa trên công nghệ CBTC (Communication-Based Train Control), cho phép các tuyến tàu điện ngầm monorail hoạt động liên thông và hiệu quả hơn.

Với CRRC, công ty đi đầu trong việc tích hợp công nghệ 5G vào hệ thống đường sắt. Công ty đã thiết lập mạng 5G phủ khắp các tuyến đường sắt đô thị tại Trùng Khánh, cho phép liên lạc tốc độ cao, độ trễ thấp giữa đoàn tàu và trung tâm điều khiển. Hạ tầng này hỗ trợ các ứng dụng tiên tiến như giám sát thời gian thực, bảo trì dự báo và vận hành thông minh.

Nói về tiềm năng phát triển tuyến MonoRail tại các đô thị ở Việt Nam, ông Ma Ting – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Viện Nghiên cứu & Thiết kế Đường sắt Trùng Khánh đánh giá bên cạnh việc là lựa chọn giao thông giải quyết tình trạng ùn tắc và phát triển kinh tế, tuyến MonoRail chủ yếu đi trên cao, sử dụng bánh lốp nhằm giảm tiếng ồn và thích ứng với nhiều đoạn địa hình có độ dốc lớn (100%) và góc cua nhỏ (R>50m), hoạt động ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

"Các dự án MonoRail cũng giúp tiết kiệm đáng kể chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng, đồng thời chi phí đầu tư thấp, có tốc độ thi công nhanh và giảm thiểu lượng khí thải carbon, đạt tiêu chuẩn các công trình xanh", ông Ma Ting cho biết thêm.