Việt Nam có 1 loại lá mọc dại khắp nơi giúp chống rụng tóc, kích thích mọc tóc con, còn phòng ngừa nhiều bệnh mãn tính

Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm loại lá này ở ngoài vườn nhà mà không tốn tiền phải mua.

Cỏ nhọ nồi là một loại thảo mộc quen thuộc với người Việt từ xưa đến nay. Với đặc tính ưa ẩm, ưa sáng, loại cây này thường mọc dại ở khắp mọi nơi. Trong Đông y, cỏ nhọ nồi có vị ngọt, chua, tính mát, có tác dụng như thanh nhiệt, tiêu viêm hay bổ gan thận. 

Theo Times Of India, bên cạnh những tác dụng phổ biến được nhiều người biết đến, cỏ nhọ nồi còn được đánh giá cao vì những lợi ích dành cho tóc. Cây bút của tờ này mô tả rằng, loại thảo mộc này được nhiều nơi tôn sùng vì khả năng thúc đẩy sự phát triển của tóc và nuôi dưỡng da đầu, giúp mái tóc chắc khỏe. Dưới đây là một số công dụng cụ thể:

Thúc đẩy sự phát triển của tóc và giảm gãy rụng 

Theo Tiến sĩ Swathi Ramamurthy, cỏ nhọ nồi giúp chắc khỏe chân tóc, kích thích mọc tóc con. Nghiên cứu của y học hiện đại xác nhận rằng loại thảo mộc này kích hoạt nang tóc và kéo dài giai đoạn anagen của quá trình mọc tóc, dẫn đến cải thiện mật độ tóc và giảm rụng tóc. 

Ngăn ngừa tóc bạc sớm 

Được làm giàu bởi các hợp chất như triterpenoids và luteolin, cỏ nhọ nồi giúp bảo vệ tế bào melanocyte - những tế bào chịu trách nhiệm tạo sắc tố cho tóc. Bằng cách bảo vệ màu tóc tự nhiên, loại thảo mộc này đảm bảo tóc luôn sẫm màu và khoẻ mạnh hơn trong thời gian dài. 

Chống gàu và nhiễm trùng da đầu 

Beta-sitosterol và alkaloid có trong cỏ nhọ nồi có đặc tính chống viêm và chống nấm, giúp làm dịu da đầu, giảm ngứa và ngăn ngừa nhiễm trùng. Loại thảo mộc này hoạt động như một chất làm sạch tự nhiên bằng cách loại bỏ dầu thừa và bụi bẩn, tạo môi trường cho da đầu khỏe mạnh hơn.

Theo Times Of India, với nhiều ích, cỏ nhọ nồi là phương thuốc đã được kiểm chứng qua thời gian để thúc đẩy mái tóc chắc khoẻ và bóng mượt. Dù thêm cỏ nhọ nồi vào chu trình chăm sóc bằng bất kỳ cách thức nào đều sẽ giúp bảo vệ da đầu và nuôi dưỡng một mái tóc óng ả tự nhiên. 

Ngoài những tác dụng cho mái tóc, cỏ nhọ nồi còn đem đến lợi ích khác tốt cho sức khỏe người sử dụng 

Cầm máu

Trong các bài thuốc dân gian ở Việt Nam, cây nhọ nồi tươi hoặc khô được sử dụng trực tiếp để cầm máu vết thương hoặc thêm vào các bài thuốc trị những chứng bệnh như chảy máu cam, ho ra máu, rong huyết…

Trị ho, tiêu đờm

Với khả năng làm tan đờm, kháng viêm, loại cây này thường được thêm vào quá trình điều trị cho những người mắc ho khan, ho có đờm, bệnh cúm hoặc nặng hơn là nhiễm trùng đường hô hấp. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng loại thảo mộc này khi triệu chứng bệnh còn nhẹ và có sự tham khảo của bác sĩ. Nếu thấy có dấu hiệu nặng hơn như khó thở, suy hô hấp, bạn nên đến cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời.    

Giảm triệu chứng bệnh trĩ

Cỏ nhọ nồi chứa các hợp chất như wedelolactone, flavonoid và các chất chống oxy hóa khác. Những hợp chất này giúp giảm viêm, cầm máu và làm dịu các triệu chứng của bệnh trĩ như đau, ngứa và chảy máu. 

Hỗ trợ điều trị sỏi thận

Cỏ nhọ nồi được sử dụng trong y học cổ truyền để giúp hỗ trợ điều trị sỏi thận. Loại thảo mộc này có tác dụng lợi tiểu, giúp tống sỏi ra khỏi thận và ngăn ngừa sự hình thành sỏi mới. Cây nhọ nồi có chứa các hợp chất giúp lợi tiểu và kháng viêm. Việc tăng cường lượng nước tiểu giúp tống sỏi ra khỏi cơ thể, đồng thời giảm viêm nhiễm trong đường tiết niệu.

Tốt cho sức khỏe tim mạch

Bạn có thể sắc cỏ nhọ nồi lấy nước uống, giúp ổn định huyết áp và làm giảm các chỉ số về cholesterol xấu của cơ thể. Các nghiên cứu chỉ ra, nhờ vào tính chất lợi tiểu, đồng thời dịch chiết ethanol có trong thành phần, cỏ nhọ nồi cũng giúp giảm cân, tăng cường sức khỏe tim mạch hiệu quả. 

Lưu ý khi sử dụng cỏ nhọ nồi 

- Không dùng cho phụ nữ có thai do có nguy cơ gây sảy thai.

- Đối tượng trẻ nhỏ cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và cách dùng trước khi thêm cỏ nhọ nồi vào chu trình điều trị bệnh. 

- Dùng cỏ nhọ nồi quá liều có thể gây kích ứng dạ dày, nôn và buồn nôn.

 (Tổng hợp)