Việt Nam có 1 loại "lá trường thọ", được Mỹ đánh giá tốt hơn cả trà xanh: Từ rễ đến ngọn đều là thuốc, bổ ngang tổ yến nhân sâm

Bên cạnh trà xanh, nước ta còn có 1 loại lá được ví là “siêu thực phẩm” dễ trồng, giàu dinh dưỡng và có giá trị dược liệu rất tốt, lại không chứa caffeine.

Giá trị dinh dưỡng vượt trội, có nhiều ở Việt Nam

Chùm ngây (tên khoa học Moringa oleifera) là một loài cây dễ trồng, phát triển tốt ngay cả trên đất khô cằn, ít cần phân bón và có khả năng chịu hạn cao. Cây có thể cao từ 5 đến 6 mét, sinh trưởng nhanh, chỉ sau khoảng 4–5 tháng trồng là đã có thể thu hái lá, và từ tháng thứ 8 trở đi bắt đầu ra hoa. 

Hoa chùm ngây màu trắng, có mùi thơm nhẹ, quả dài khoảng 25–30 cm, hình dạng tương tự đậu cô ve. Việc nhân giống có thể thực hiện bằng cả hai phương pháp: gieo hạt hoặc giâm cành.

Theo các nghiên cứu, lá chùm ngây được xem là nguồn thực phẩm sạch vì không chứa độc tố và hiếm khi bị sâu bệnh, không cần phun thuốc trừ sâu. Lá cây chứa hàm lượng cao các vitamin và khoáng chất thiết yếu với vitamin C cao gấp 7 lần so với cam; Vitamin A: gấp 4 lần cà rốt; Canxi: nhiều hơn 4 lần sữa; Protein: gấp 2 lần sữa; Kali: gấp 3 lần chuối.

Ngoài ra, 100g lá non chùm ngây cung cấp khoảng 6,35g protein, 1,7g chất béo, 8g tinh bột, cùng nhiều khoáng chất quan trọng như canxi (123 mg), kali (216 mg), phospho (50 mg), đồng, sắt và caroten. Đây là lý do vì sao chùm ngây được coi là một trong những loại rau giàu dinh dưỡng nhất hiện nay.

Từ lá đến rễ đều là “thuốc”

Trong Đông y, cây chùm ngây được sử dụng như một loại dược liệu đa công dụng. Không chỉ lá, các bộ phận khác của cây chùm ngây cũng mang lại giá trị dược liệu đáng kể.

Lá có thể kích thích tiêu hóa, lợi tiểu. Rễ và vỏ rễ được dùng chữa các chứng đau do co thắt, đau thần kinh tọa, thấp khớp mãn tính. Các bộ phận như hoa, quả, vỏ rễ đều có thể được chế biến thành bài thuốc hỗ trợ sức khỏe theo từng trường hợp cụ thể.

Thân, cành và vỏ rễ chứa moringin – một loại alcaloid có tác dụng chống viêm và giảm đau, thường được ứng dụng để hỗ trợ điều trị chứng thấp khớp và đau thần kinh ngoại biên.

Hạt chùm ngây chứa các axit béo không no, có thể rang ăn như đậu phộng hoặc ép lấy dầu.

Hoa chùm ngây giàu dưỡng chất, có vị ngọt, thường dùng nấu ăn hoặc phơi khô pha trà.

Rễ non ăn sống hoặc dùng làm gia vị, có hương vị nồng như mù tạt.

Lá chùm ngây thường được sử dụng như rau ăn trong các món canh, xào, sinh tố hoặc nấu cháo. Vị lá hơi đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, nhuận tràng, thanh lọc cơ thể và hỗ trợ điều hòa huyết áp. Ngoài ra, các món ăn từ chùm ngây còn giúp cải thiện tình trạng mỡ máu, giảm cholesterol và bảo vệ gan. Tuy vậy, không nên tự ý dùng nhiều mà cần có hướng dẫn của chuyên gia, bác sĩ.

Lựa chọn thay thế lành mạnh cho người không dùng caffeine

Theo chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng Abhilasha V – Trưởng khoa Dinh dưỡng tại Hệ thống Bệnh viện Cloudnine (Mumbai, Ấn Độ), trà chùm ngây là một loại đồ uống không chứa caffeine, phù hợp với những người đang tìm kiếm lựa chọn thay thế cho các loại trà truyền thống như trà đen hay trà xanh.

Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, lá chùm ngây là nguồn giàu chất chống oxy hóa như polyphenol và vitamin C, với khoảng 51,7 mg vitamin C trên mỗi 100 gram lá tươi. Theo bà Abhilasha, những chất này có vai trò quan trọng trong việc trung hòa các gốc tự do gây hại, từ đó hỗ trợ làm giảm stress oxy hóa và nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường và ung thư.

Không chỉ giàu chất chống oxy hóa, lá chùm ngây còn chứa các hợp chất sinh học có tác dụng chống viêm – một yếu tố quan trọng giúp hỗ trợ hệ miễn dịch và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Về mặt dinh dưỡng, chùm ngây cung cấp đa dạng các vitamin (A, C, E, K) cùng khoáng chất thiết yếu như sắt, canxi, kali và magiê. Các thành phần này giúp bổ sung năng lượng, cải thiện sức khỏe tim mạch và hỗ trợ chức năng thần kinh, cơ bắp.

Cả trà xanh và trà chùm ngây đều chứa nhiều chất chống oxy hóa và có lợi cho sức khỏe.

Ngoài ra, trà từ lá chùm ngây còn được ghi nhận có khả năng hỗ trợ giảm mức cholesterol và huyết áp, hai yếu tố then chốt trong việc phòng ngừa các bệnh tim mạch. Đối với người mắc bệnh tiểu đường, trà chùm ngây có thể góp phần điều hòa đường huyết nhờ các hoạt chất giúp cải thiện độ nhạy insulin.

Một lợi ích khác không nên bỏ qua là tác dụng hỗ trợ tiêu hóa. Với hàm lượng chất xơ tự nhiên, lá chùm ngây giúp thúc đẩy nhu động ruột, giảm táo bón và duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh, từ đó cải thiện tình trạng đầy hơi và khó tiêu thường gặp.

Bà Abhilasha nhận định, nếu bạn đang tìm kiếm một loại trà chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vitamin và khoáng chất thì trà chùm ngây có thể là lựa chọn đáng cân nhắc – thậm chí vượt trội hơn trà xanh ở một số khía cạnh nhất định.

Tuy nhiên, khi nói đến hương vị, đây là điều mang tính cá nhân. Người dùng nên thử cả trà chùm ngây và trà xanh để lựa chọn theo khẩu vị riêng.

Tóm lại, cả hai loại trà đều có giá trị dinh dưỡng riêng biệt và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Việc lựa chọn loại trà nào phụ thuộc vào sở thích cá nhân, tình trạng sức khỏe và mục tiêu sử dụng. Dù chọn loại nào, lời khuyên quan trọng là nên dùng điều độ, kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng và lối sống lành mạnh để tối ưu hiệu quả.

(Tổng hợp)