Ông trăng tròn sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em
Trăng khuya sáng hơn đèn
Ơi ông trăng sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em...
Hàng cây cau lặng đứng
Hàng cây chuối đứng im
Con chim quên không kêu
Con sâu quên không kêu
Chỉ có trăng sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em
Trăng khuya sáng hơn đèn
Ơi ông trăng sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em...

Bạn có thấy ký ức ùa về khi đọc những câu thơ thân thương này? "Trăng sáng sân nhà em" được nhà thơ Trần Đăng Khoa sáng tác năm 1966 và từng được nhạc sĩ Trần Hữu Pháp phổ nhạc. "Trăng sáng sân nhà em" không chỉ là một bài thơ thiếu nhi mà còn là một mảnh ký ức dịu dàng, gợi lại khung cảnh yên bình của làng quê Việt Nam những năm tháng xưa cũ. Đó là thế giới của sự yên bình, thơ ngây, không tiếng còi xe, không màn hình điện thoại, chỉ có thiên nhiên, gia đình, và trăng sáng.
Dù đã trở thành biểu tượng của thơ ca thiếu nhi Việt Nam, nhưng với chính tác giả, nhà thơ Trần Đăng Khoa, bài thơ "Trăng sáng sân nhà em" lại là một tác phẩm… vớ vẩn trong sự nghiệp sáng tác.
"Tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao ngày đó mình lại có thể viết được một bài thơ như vậy. Nó rất "vớ vẩn", chỉ gồm vài câu đơn giản, lặp đi lặp lại kiểu: Ông trăng tròn sáng tỏ/soi rõ sân nhà em rồi Trăng khuya sáng hơn đèn, mà câu này vốn là của dân gian. Hay những hình ảnh như: Hàng cây cau lặng đứng/Hàng cây chuối đứng im... cứ thế, như những quân domino, lặp đi lặp lại mấy câu.
Vậy mà bây giờ, tôi không thể viết nổi lại bà thơ "vớ vẩn" này. Nó rất "vớ vẩn", nhưng chính cái sự "vớ vẩn" một cách tài tình ấy, cái cách nó lặp đi lặp lại mà không gây cảm giác nhàm chán, chính là điều tôi không thể tái hiện. Tôi chịu, không làm lại được", nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.
Có lẽ, chính sự ngây thơ, trong sáng và phi kỹ thuật ấy mới là điều khiến thơ ca thiếu nhi chạm được vào tâm hồn của bao thế hệ. Nhà thơ gọi nó là "vớ vẩn", nhưng bạn đọc thì gọi đó là tuổi thơ. Và có lẽ, cái "vớ vẩn" ấy lại là đỉnh cao mà người lớn không thể với tới được nữa.
Có lẽ không còn ai xa lạ với cái tên Trần Đăng Khoa, bởi ông không chỉ nổi tiếng, mà còn nổi tiếng từ rất lâu. Rất khó để tìm được một người thứ hai nổi tiếng cả nước nhờ tài thi ca khi chỉ mới 7-8 tuổi như ông. Ở độ tuổi bạn bè đồng trang lứa vẫn đang tập tành học văn thơ ở trường, Trần Đăng Khoa đã có thơ được đăng báo.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê Hải Dương. Từ khi còn rất nhỏ, ông đã bộc lộ khả năng thiên phú về thi ca khi cho ra đời nhiều áng thơ hay. Năm 1968, ở độ tuổi lên 10, Trần Đăng Khoa đã xuất bản tập thơ đầu tiên mang tên "Góc sân và khoảng trời". Nhưng bài thơ tiêu biểu trong đó như: "Hạt gạo làng ta", "Trăng ơi... Từ đâu đến?", "Khi mẹ vắng nhà"... được nhiều thế hệ biết đến và thuộc lòng. Sau này, bài "Hạt gạo làng ta" càng trở nên nổi tiếng hơn khi được thi sĩ Xuân Diệu hiệu đính và nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ thành nhạc vào năm 1971.
Không chỉ được trong nước đón nhận và ưu ái gọi là "Thần đồng thơ Việt", tên tuổi của Trần Đăng Khoa còn vươn ra quốc tế khi dịch ra trên 40 thứ tiếng trên thế giới. Năm 1968, hãng truyền hình Pháp đã làm một cuốn phim tài liệu dài 30 phút về Trần Đăng Khoa mang tên Le petit monde de Khoa (Thế giới nhỏ của Khoa).