Thời gian gần đây, mạng xã hội tràn ngập hàng loạt bức ảnh “ chơi game cùng idol ” khiến dân tình không khỏi thích thú. Mới đầu, không ít netizen “mắt chữ A miệng chữ O” khi thấy những bức ảnh này nhưng chỉ sau ít phút sau teen đã nhanh chóng nhìn ra đây thực chất là sản phẩm của AI.

Đây chỉ là sản phẩm của AI mà thôi! Ảnh: Minh Minh
Được biết, khả năng tạo hình ảnh của ChatGPT hiện đang trở thành một trong những tính năng nổi bật nhất trên nền tảng này. Tính năng mới này giúp người dùng tạo ra những bức ảnh mô phỏng cảnh họ đang chơi game cùng các nhân vật nổi tiếng, từ người thật như Tom Holland, Taylor Swiftcho đến các nhân vật hư cấu như Harry Potter hay Naruto.
Những bức ảnh này có phong cách đồ họa, ánh sáng và bố cục gợi nhớ đến thời kỳ đầu của máy chơi game PS1. Chỉ cần nhập một đoạn mô tả ngắn ( prompt ), AI sẽ nhanh chóng biến ý tưởng thành ảnh hoàn chỉnh trong vòng vài chục giây.
Với công thức sau: A nostalgic early-2000s photo of me and idol’s name playing PlayStation 1 (tạm dịch: Một bức ảnh đậm chất hoài niệm đầu những năm 2000, ghi lại khoảnh khắc tôi và tên của idol cùng chơi PlayStation 1) kèm với bức chân dung của bản thân và thần tượng, teen đã có ngay một bức ảnh chơi game với người nổi tiếng siêu thật, “nhìn là mê” dành cho riêng mình.

Đáng nói, bức ảnh mà trend tạo ra vô cùng chân thật, khung cảnh phòng ngủ kiểu Âu Mỹ đầu những năm 2000 dưới ánh đèn vàng ấm áp, tay cầm điều khiển máy PS1 khiến teen có cảm giác như đang thực sự chơi game cùng người nổi tiếng. Đến nay, trào lưu này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Để tạo ảnh chơi game với người nổi tiếng bằng AI cực kỳ đơn giản. Ảnh: Long Nguyen
Tuy nhiên, bên cạnh sự thích thú, không ít ý kiến lo ngại về việc công nghệ này có thể làm mờ ranh giới giữa thật và ảo. Những hình ảnh được tạo ra quá chân thực, người xem rất dễ hiểu lầm, đặc biệt nếu nhân vật trong ảnh là những nghệ sĩ nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn.
Dù mục đích ban đầu chỉ là giải trí, nhưng việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để tạo ảnh AI không xin phép vẫn tiềm ẩn rủi ro về pháp lý. Trong trường hợp những hình ảnh này bị khai thác cho mục đích thương mại hoặc bị gán ghép vào nội dung không phù hợp, người dùng có thể đối mặt với cáo buộc xâm phạm quyền cá nhân và bản quyền hình ảnh.

Nhiều fan cuồng quá khích có thể lợi dụng tính năng này để trục lợi hoặc bị “kẹt” trong thế giới ảo. Ảnh minh họa từ Internet
Khi người dùng bị cuốn vào thế giới ảo quá mức, teen dễ dẫn đến lệch chuẩn cảm xúc, nhầm lẫn giữa thật giả và dần lệ thuộc tinh thần vào các sản phẩm do AI tạo ra. Đây đều là những vấn đề cần được nhận thức rõ, nhất là khi các công nghệ AI ngày càng dễ tiếp cận và khó kiểm soát.