* Câu chuyện theo lời kể của một cựu kỹ sư cơ khí từng làm việc tại Nhà máy cơ khí Trường Giang ở Nam Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc được đăng tải trên tờ Sohu.
Chia tay với công việc gắn bó suốt 2 thập kỷ
Thời điểm 2023, khi làn sóng tái cơ cấu và cắt giảm nhân sự quy mô lớn lan rộng khắp thế giới, cuốn phăng nhiều công ty và những người lao động trung thành, Ông Chu Trường An - kỹ sư cơ khí (48 tuổi) cũng không ngoại lệ. Sau hơn 20 năm gắn bó với nhà máy thiết bị cơ khí Trường Giang, ông nhận quyết định thôi việc vào một buổi chiều cuối đông, trong đợt sa thải ồ ạt nhằm tinh gọn bộ máy.
Ông thu dọn bộ dụng cụ quen thuộc, lặng lẽ rời khỏi phân xưởng, nơi từng là mái nhà thứ hai, là nơi ông dồn cả tuổi trẻ, mồ hôi và lòng tự hào vào từng chi tiết máy. Nhưng thực tế phũ phàng ập đến khi nhà máy chuyển đổi mô hình, đầu tư vào công nghệ tự động hóa, còn những người thợ tay nghề thủ công như ông bị cho là lạc hậu và không phù hợp với dây chuyền sản xuất hiện đại.
Trên đường về, ông Chu Trường An nhận chiếc phong bì từ giám đốc nhà máy - ông Lưu Kiến Quốc. Ông nghĩ đó là khoản bồi thường, nhưng khi mở ra, chỉ có vài bức ảnh chụp các linh kiện tinh xảo do chính ông chế tạo và một lá thư giới thiệu vắn tắt. Vợ ông, bà Vương Thục Lan vô cùng thất vọng, cho rằng những thứ đó chẳng thể giúp ông kiếm sống giữa thời buổi người ta đòi hỏi phải biết lập trình, biết sử dụng máy CNC, còn nghề thủ công cơ khí đang bị quên lãng.
Với chút hy vọng mong manh, ông mang bộ hồ sơ ấy tới các hội chợ việc làm, các trung tâm giới thiệu nhân sự, nhưng nơi nào cũng từ chối. Tay nghề cơ khí thủ công tinh xảo không còn chỗ đứng trong những nhà máy robot hóa. Nhiều đêm, ông nằm trằn trọc, cảm giác như một người thợ già bị đẩy ra bên lề xã hội.

(Ảnh minh họa)
Chính trong lúc tuyệt vọng nhất, ông được người hàng xóm cũ là kỹ sư họ Lưu, giới thiệu đến Công ty Công nghệ Đông Phương, một công ty khởi nghiệp chuyên chế tạo thiết bị công nghệ cao. Ông bất ngờ khi biết người sáng lập chính là nhóm kỹ sư trẻ từng nhiều lần tìm tới học hỏi ông về kỹ thuật xử lý chi tiết cơ khí tinh xảo, thứ mà các phần mềm thiết kế hiện đại chưa thể thay thế hoàn toàn.
Tại đây, ông Chu Trường An được mời làm chuyên gia cố vấn kỹ thuật. Những bức ảnh cùng thư giới thiệu từng bị xem là vô dụng lại trở thành minh chứng cho tay nghề lão luyện của ông. Trong môi trường mới, ông không chỉ giúp hoàn thiện những chi tiết quan trọng cho các dự án khó mà còn được khuyến khích học thêm kỹ năng lập trình, vận hành máy CNC. Ông trở thành cầu nối giữa kỹ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại.
Chiếc phong bì quý giá hơn bất cứ khoản tiền nào
Sáu tháng sau, trong buổi tiệc cuối năm của công ty, ông Chu Trường An gặp lại giám đốc Lưu Kiến Quốc. Khi ấy, ông mới hiểu sự thật. Khi nhận ra sớm muộn nhà máy cũng phải cắt giảm nhân sự, ông Lưu đã âm thầm sắp xếp cho những người thợ giỏi như ông tìm được chỗ đứng mới. Không tiện ra mặt trực tiếp, ông Lưu chỉ có thể chọn cách lặng lẽ, thông qua lá thư giới thiệu và những bức ảnh sản phẩm, mong những người như ông Chu Trường An có thể mở lối đi mới.

(Ảnh minh họa)
Hiểu được tấm lòng đó, ông Chu Trường An dần gỡ bỏ được nỗi giận dữ, oán trách trong lòng. Ông nhận ra, trong thời đại thay đổi chóng mặt, vẫn có những người lãnh đạo trân trọng giá trị thật, tìm cách bảo vệ những người thợ lành nghề như ông.
Những năm sau đó, gia đình ông ổn định trở lại. Con trai cưới vợ, ông trở thành ông nội. Còn bản thân ông, từ người thợ già từng bị cho là lỗi thời, đã trở thành người thầy, người truyền cảm hứng cho đội ngũ kỹ sư trẻ trong những dự án chế tạo thiết bị y tế, hàng không, năng lượng mới.
Chiếc phong bì năm ấy, không chứa tiền bạc hay hợp đồng, nhưng lại chứa đựng sự trân trọng thầm lặng, là lời nhắn nhủ rằng, giá trị thực sẽ không bao giờ mất đi, chỉ cần tìm đúng môi trường, đúng người. Tay nghề thủ công truyền thống, tưởng chừng bị đào thải, lại trở thành vũ khí mạnh mẽ khi kết hợp với công nghệ cao.
Giữa những cơn sóng sa thải, tái cơ cấu toàn cầu, ông Chu Trường An hiểu rằng, người biết giữ lấy bản sắc, biết học hỏi không ngừng sẽ luôn tìm được chỗ đứng, bất kể thời đại có xoay vần ra sao.
(Theo Sohu)