Trong môi trường công sở, việc mắc sai sót là điều không thể tránh khỏi, kể cả với những nhân viên tận tâm và có năng lực. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả sai lầm chính là cách mỗi cá nhân phản ứng khi bị cấp trên nhắc nhở hoặc phê bình. Một câu trả lời thông minh, đúng mực không chỉ giúp giảm thiểu căng thẳng mà còn là cơ hội để người lao động thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm và thái độ cầu tiến.
Dưới đây là 8 cách phản hồi được đánh giá là thể hiện trí tuệ cảm xúc cao, giúp nhân viên vừa giữ được thể diện cá nhân, vừa cải thiện hình ảnh trong mắt lãnh đạo. Mỗi cách đều phù hợp với những tình huống và phong cách quản lý khác nhau.
1. Thừa nhận sai sót, chủ động đề xuất hướng giải quyết
“Sếp góp ý rất đúng, đây là sai sót không nên có, tôi đã nghiêm túc nhìn nhận lại. Tôi sẽ lập tức xây dựng kế hoạch khắc phục và bổ sung điểm kiểm tra định kỳ để tránh lặp lại. Anh/chị xem phương án này ổn không? Tôi rất mong được góp ý thêm.”
Khi lỗi lầm đã xảy ra, việc bạn bào chữa hay trả lời quanh co sẽ không có tác dụng gì nữa. Câu trả lời này vừa cho thấy bạn thẳng thắn, lại rất chủ động tìm cách sửa sai. Việc xin góp ý thêm cũng khiến sếp nhận ra rằng bạn có sự tôn trọng và cầu thị.
2. Giải thích nguyên nhân, cam kết cải thiện
“Cảm ơn sếp đã chỉ ra lỗi sai, nhờ đó tôi mới nhận ra được sai sót của mình. Sai sót này đến từ khâu… Tôi sẽ nhanh chóng khắc phục hậu quả, rút ra bài học và xây dựng phương án xử lý hiệu quả hơn để sau này không lặp lại. Tôi sẽ không phụ sự tin tưởng của anh/chị.”
Đây là câu trả lời giúp bạn làm rõ lý do khách quan (nếu có), nhưng vẫn không đổ lỗi hay đùn đẩy trách nhiệm. Bạn cũng thể hiện rõ thái độ rút kinh nghiệm và quyết tâm làm tốt hơn trong tương lai.
3. Nhận lỗi với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động xin kinh nghiệm
“Anh/chị nói đúng, sai sót này ảnh hưởng đến cả đội và tôi thực sự thấy có lỗi. Tôi sẽ điều chỉnh lại quy trình ở phần… (nêu cụ thể), và cam kết hoàn tất việc khắc phục trước… (mốc thời gian). Mong anh/chị chia sẻ thêm kinh nghiệm để tôi làm tốt hơn.”
Câu trả lời này phù hợp khi lỗi của bạn ảnh hưởng tới cả team. Ngoài việc nhận lỗi, bạn còn thể hiện sự cầu tiến và tôn trọng kinh nghiệm của cấp trên.

4. Thừa nhận năng lực chưa đủ, cam kết học thêm để cải thiện
“Tôi hoàn toàn tiếp nhận phê bình từ sếp. Qua lần này, tôi nhận ra mình còn thiếu sót ở phần… Tôi sẽ chủ động học hỏi thêm ngoài giờ để cải thiện năng lực, không để xảy ra lỗi lần nữa. Tôi nhất định sẽ sửa đổi và chứng minh bằng kết quả.”
Nếu bạn bị chê là “yếu tay nghề” hay chưa nắm vững nghiệp vụ, hãy trả lời một cách dứt khoát và có kế hoạch học hỏi cụ thể. Điều đó thể hiện rằng bạn coi trọng thời gian và công sức của sếp. Đồng thời, việc ham học hỏi, sẵn sàng chứng minh để bù đắp lỗi sai cũng là một điểm cộng lớn.
5. Nhìn nhận vấn đề nghiêm túc, chủ động đề xuất phương án phòng ngừa
“Lời phê bình của sếp như hồi chuông cảnh tỉnh, tôi hiểu đây là vấn đề nghiêm trọng. Tôi sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình để tìm nguyên nhân gốc rễ, đồng thời trao đổi với đồng nghiệp để cùng xây dựng biện pháp phòng ngừa. Nếu anh/chị thấy tôi còn điểm nào chưa ổn, cứ nhắc nhở ngay, tôi sẽ chỉnh sửa.”
Đây là một câu trả lời mang tính “hành động” rất rõ ràng. Việc trả lời như vậy thể hiện rằng bạn không chỉ nhận lỗi mà còn thể hiện tư duy hệ thống, dám nhìn nhận, dám sửa và dám phòng ngừa tái phạm.
6. Biến sai lầm thành bài học chung cho cả đội
“Cảm ơn anh/chị đã chỉ lỗi. Đây là cơ hội để tôi trưởng thành hơn. Tôi sẽ sửa theo đúng yêu cầu của sếp, ghi chép lại quy trình, các điểm cần lưu ý để sau này áp dụng chuẩn hơn. Nếu được, tôi sẽ chia sẻ tài liệu này để cả nhóm tham khảo, tránh sai sót tương tự.”
Sếp sẽ rất đánh giá cao những nhân sự biết chia sẻ kinh nghiệm và biến thất bại cá nhân thành bài học cho cả team, vì đây là dấu hiệu của một người có tố chất quản lý.

7. Tự đánh giá lại toàn diện cách làm việc, thể hiện quyết tâm thay đổi
“Tôi hoàn toàn chấp nhận sự phê bình, sai sót này là do tôi đã chủ quan. Hiện tại, tôi đang rà soát lại toàn bộ công việc để tìm ra điểm yếu trong cách làm việc và thái độ. Sau đó tôi sẽ xây dựng phương án cải thiện một cách hệ thống. Sau lần này, tôi sẽ thay đổi và đóng góp tốt hơn cho tập thể.”
Lỗi không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà có thể bắt nguồn từ thái độ. Nếu bạn bị đánh giá là thiếu tập trung, thiếu chủ động, hãy phản ứng bằng sự thành thật và quyết tâm thay đổi.
8. Chủ động sửa sai, cam kết tiến bộ rõ ràng
“Tôi xem lời phê bình của sếp là động lực để tiến bộ. Tôi sẽ nhanh chóng chấn chỉnh tinh thần và sửa sai ngay. Đồng thời, tôi sẽ học hỏi thêm từ đồng nghiệp để nâng cao cách làm. Tôi xin phép báo cáo tiến độ cải thiện định kỳ để anh/chị nắm được. Thành thật xin lỗi vì đã làm phiền đến anh/chị.”
Đây là một câu trả lời thể hiện rõ bạn là người biết hành động, biết chịu trách nhiệm và không nói suông. Cam kết báo cáo tiến độ là cách thể hiện rõ ràng nhất cho việc “nói được và làm được”.
(Theo Toutiao)