Lo lắng thuế quan tác động giá tiêu dùng toàn nước Mỹ
Được mô tả là hành động “mang tính lịch sử”, chính sách thuế quan mới của ông Trump đang gây ra nhiều tranh cãi gay gắt, giữa kỳ vọng về sự phục hồi của ngành sản xuất nội địa và nỗi lo về chi phí sinh hoạt tăng cao đối với người dân Mỹ.
Một phân tích do Phòng Thí nghiệm ngân sách của Đại học Yale cho thấy, nếu mức thuế nhập khẩu 20% được triển khai toàn diện, các hộ gia đình ở Mỹ phải chịu gánh nặng tài chính đáng kể.
Báo cáo này cho biết mức thuế quan 20% làm tăng giá tiêu dùng từ 2,1% (trong trường hợp không có hành động trả đũa từ các quốc gia khác), có thể lên đến 2,6% (nếu các đối tác thương mại phản ứng tương xứng).
Với giả định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không đưa ra biện pháp chính sách để điều chỉnh, điều này tương đương việc mất đi sức mua trung bình từ 3.400 - 4.200 USD cho mỗi hộ gia đình.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu chao đảo, bà Karoline Leavitt - Thư ký báo chí Nhà Trắng - trấn an dư luận rằng chính quyền Tổng thống Trump đang hướng tới lợi ích của tầng lớp lao động và người tiêu dùng phổ thông - những người được bà gọi là “Phố chính”.

Các nhà kinh tế lo ngại giá cả thị trường tăng sau khi chính sách thuế của ông Trump có hiệu lực ngày 2/4.
“Tổng thống muốn đảm bảo rằng tất cả người Mỹ đều được hưởng lợi, đặc biệt là Phố chính. Đó là trọng tâm của mức thuế quan này. Nhưng như tôi đã nói nhiều lần, giống như trong nhiệm kỳ đầu của ông, Phố Wall sẽ ổn thôi”, bà Karoline Leavitt nói.
Tuy nhiên, tín hiệu từ thị trường cho thấy bức tranh kém lạc quan. Trong tháng 3, các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite ghi nhận mức giảm phần trăm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 12/2022.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ những lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại toàn cầu. Điều này làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và đẩy lạm phát lên cao hơn nữa.
Bà Leavitt nói thêm thuế quan mới có hiệu lực lập tức sau khi được công bố chính thức ngày 2/4.
“Tôi hiểu là thông báo về thuế quan sẽ được đưa ra vào ngày mai và hiệu lực ngay lập tức. Tổng thống đã ám chỉ điều này trong một thời gian khá dài. Nếu hôm nay không phải Cá tháng 4, quyết định được công bố sớm hơn", bà Leavitt nói.
Thế giới "nín thở" nhìn về Nhà Trắng
Khi được hỏi về quyết định cụ thể mà ông Trump sẽ đưa ra, bà Leavitt cho biết tổng thống đang làm việc sát sao với nhóm thương mại và thuế quan để hoàn thiện chính sách.
“Tổng thống đang cùng nhóm thương mại và thuế quan hoàn thiện để đảm bảo đây là thỏa thuận hoàn hảo cho người dân và người lao động Mỹ. Chúng ta biết được điều đó trong khoảng 24 giờ nữa”, bà nói.
Bà Leavitt cũng phản ứng mạnh mẽ trước câu hỏi liệu chính sách này có khả năng thất bại hay không, với tuyên bố đầy tự tin: “Họ sẽ không sai đâu. Các chính sách sẽ có hiệu quả”.
Theo thư ký Nhà Trắng, Tổng thống Trump được hậu thuẫn bởi đội ngũ cố vấn giỏi, những người đã nghiên cứu các vấn đề kinh tế và thương mại trong nhiều thập kỷ. Bà Leavitt nhấn mạnh toàn bộ chính sách hiện tại được xây dựng nhằm “khôi phục thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ”.

Thư ký Nhà Trắng Leavitt đang trấn an người dân Mỹ trước thời khắc quan trọng.
Không chỉ xem đây là một biện pháp kinh tế, chính quyền ông Trump còn khẳng định rằng ngày 2/4 được ghi nhớ như một mốc lịch sử trong thời kỳ hiện đại của Mỹ.
“Nhìn về tương lai, ngày 2/4 đi vào lịch sử như một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ. Tổng thống Trump đang hướng tới việc tái cơ cấu nền kinh tế toàn cầu, nhằm đảm bảo rằng nước Mỹ một lần nữa trở thành siêu cường sản xuất của thế giới", bà Leavitt nói thêm.
Bà Leavitt cho rằng các công ty sản xuất hàng hóa tại Mỹ sẽ được hưởng loạt ưu đãi lớn, bao gồm mức thuế, chi phí năng lượng và các quy định thấp nhất: “Rất đơn giản, nếu bạn sản xuất sản phẩm tại Mỹ, bạn sẽ không phải trả bất kỳ khoản thuế nào".
Thư ký Nhà Trắng cũng nhấn mạnh một số công ty lớn nhất thế giới đã bắt đầu phản ứng tích cực với cách tiếp cận này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan với thông điệp của Nhà Trắng trước ngày lịch sử. Các nhà đầu tư và nhiều doanh nghiệp lo ngại thuế nhập khẩu vào Mỹ - vốn do các công ty nhập khẩu chi trả - cuối cùng chuyển sang người tiêu dùng. Nghĩa là, chính những người dân Mỹ gánh chịu phần lớn gánh nặng chi phí, điều mà báo cáo của Đại học Yale đã cảnh báo rõ ràng.
Các quốc gia đối tác thương mại lớn và giới đầu tư toàn cầu đang theo dõi sát sao từng bước đi tiếp theo từ Washington. Nhiều chuyên gia đặt cược, phân vân liệu đây sẽ là đòn bẩy đưa nước Mỹ bước vào thời kỳ phục hưng công nghiệp mới, hay là canh bạc mạo hiểm có thể kéo theo bất ổn thương mại toàn cầu?