
Từ 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức được triển khai tại Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính. Hàng loạt trụ sở mới của các xã, phường hoàn thiện và đưa vào vận hành trở thành điểm nhấn quan trọng, thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.

Tại địa bàn phía Tây Thủ đô, phường Từ Liêm – đơn vị hành chính mới thuộc quận Nam Từ Liêm – được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của phường Cầu Diễn; phần lớn diện tích, dân số các phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Phú Đô, Mễ Trì; và một phần phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy). Đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông, nhiều chung cư cao tầng và trục giao thông quan trọng như Hồ Tùng Mậu, Lê Đức Thọ, đường Vành đai 3.

Trụ sở phường Từ Liêm mới được bố trí đồng bộ, khang trang, là nơi đặt trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND và Mặt trận Tổ quốc phường. Không chỉ đáp ứng yêu cầu làm việc của bộ máy hành chính, trụ sở còn được thiết kế để thuận tiện trong việc tiếp dân, xử lý các thủ tục hành chính nhanh chóng trong bối cảnh lượng hồ sơ lớn và nhu cầu đa dạng.

Tại số 96 Trần Thái Tông – nơi từng là trụ sở UBND quận Cầu Giấy – nay trở thành trụ sở của Đảng ủy, HĐND và UBND phường Cầu Giấy. Phường mới được thành lập trên cơ sở nhập phần lớn diện tích và dân số của các phường Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy); một phần các phường Quan Hoa, Yên Hòa (quận Cầu Giấy) và Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm).

Dù có diện tích không lớn (khoảng 3,74km²) nhưng với dân số lên tới hơn 74.500 người, phường Cầu Giấy trở thành một trong những đơn vị hành chính đông dân nhất thành phố. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư cao, nhiều doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ tập trung, công tác điều hành và phục vụ người dân tại phường đặt ra yêu cầu rất cao. Việc bố trí trụ sở tại địa điểm trung tâm, có cơ sở hạ tầng hiện đại được kỳ vọng sẽ giúp bộ máy hành chính phường Cầu Giấy hoạt động hiệu quả, thông suốt.

Tương tự, phường Yên Hòa – đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số của các phường Yên Hòa, Trung Hòa; một phần các phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) và Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) cũng đã hoàn tất việc bố trí, vận hành các trụ sở hành chính. Trụ sở Đảng ủy, HĐND và các tổ chức chính trị – xã hội được đặt tại số 255 Nguyễn Khang, trong khi trụ sở UBND phường là tại số 231 Nguyễn Ngọc Vũ.

Phường Ba Đình mới được thành lập từ sự hợp nhất của nhiều phường cũ, trong đó có Quán Thánh, Trúc Bạch, phần lớn Điện Biên, Ngọc Hà, và một phần các phường Đội Cấn, Kim Mã, cùng với khu vực thuộc các phường Đồng Xuân, Cửa Đông, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), và vườn hoa Thụy Khuê (quận Tây Hồ).

Đáp ứng yêu cầu địa lý rộng và dân cư đông, trụ sở của phường Ba Đình được bố trí tại bốn địa điểm: số 12-14 Phan Đình Phùng là nơi đặt Đảng ủy và HĐND phường; số 2 phố Trúc Bạch và số 54 Hàng Than là trụ sở UBND; trong khi số 68 phố Nguyễn Thái Học là nơi làm việc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội.

Mô hình “đa điểm” này giúp đáp ứng nhu cầu phục vụ Nhân dân trên địa bàn rộng lớn mà không tạo áp lực tập trung quá mức tại một địa chỉ.

Phường Giảng Võ – đơn vị mới được thành lập từ các phường Thành Công, Ngọc Khánh, Cống Vị – cũng triển khai mô hình bố trí trụ sở phân tán để phục vụ người dân. Trụ sở Đảng ủy – HĐND đặt tại số 9 phố Thành Công (trụ sở cũ của phường Thành Công), trụ sở UBND tại 525 Kim Mã (phường Ngọc Khánh cũ), và một điểm nữa tại số 246 Đường Bưởi (phường Cống Vị cũ).


Trụ sở cũ của UBND quận Đống Đa hiện trở thành trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường Đống Đa – đơn vị hành chính mới hình thành từ sự hợp nhất các phường Thịnh Quang, Trung Liệt, Quang Trung và một phần các phường Láng Hạ, Ô Chợ Dừa, Nam Đồng. Trong bối cảnh địa bàn rộng, dân cư đông, trụ sở trung tâm này sẽ là đầu mối xử lý hành chính và tiếp công dân của một trong những phường đông dân nhất thành phố.

Trụ sở mới của Đảng ủy, HĐND và UBND phường Bạch Mai được đặt tại số 125 phố Bạch Mai, vốn là trụ sở cũ của UBND phường Bạch Mai trước sáp nhập.

Phường Bạch Mai được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ các phường Bạch Mai, Đồng Tâm, Thanh Nhàn và một phần các phường Phố Huế, Bùi Thị Xuân. Đây là khu vực có hệ thống hạ tầng đô thị dày đặc, tập trung nhiều cơ sở y tế và giáo dục lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Phường Tây Hồ được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ phường Bưởi; phần lớn các phường Thụy Khuê, Xuân La, Quảng An; một phần các phường Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ và Nghĩa Đô. Phường Tây Hồ sử dụng lại trụ sở của UBND quận Tây Hồ (cũ) làm trụ sở hành chính tổng hợp. Đây là địa điểm có cơ sở hạ tầng khang trang, giao thông thuận tiện, phù hợp với tính chất phường trung tâm mới hình thành. Việc tái sử dụng trụ sở cũ giúp tiết kiệm ngân sách, đồng thời đảm bảo liên tục các hoạt động hành chính.

Trụ sở HĐND - UBND phường Láng đặt tại số 79A, ngõ 25 phố Vũ Ngọc Phan.

Trụ sở UBND phường Kim Lan tại số 2 ngõ 4B Đặng Văn Ngữ, TP Hà Nội.