Cha mẹ mất để lại tài sản hơn 18 tỷ đồng, 3 anh chị em kiện nhau đòi thừa kế, tòa án tuyên bố: “Tài sản chia đều nhưng mỗi người bị phạt hơn 73 triệu”

Vụ tranh chấp thừa kế  của 1 gia đình ở Trung Quốc không chỉ phức tạp về pháp lý mà còn chất chứa nhiều mâu thuẫn tình cảm, buộc tòa án phải can thiệp toàn diện để tìm giải pháp hòa giải.

Vào năm 2021, trước khi qua đời, vợ chồng ông Lý ở Từ Khê, Chiết Giang, Trung Quốc, có để lại một khối tài sản đáng kể gồm 3 bất động sản, một cửa hàng, một số trang sức vàng và tiền tiết kiệm, ước tính tổng giá trị lên tới hơn 5 triệu NDT. Tuy nhiên, do không có di chúc hợp pháp bằng văn bản, việc phân chia tài sản nhanh chóng trở thành nguồn cơn mâu thuẫn.

Sau khi cha mẹ qua đời, người em út là Lý Tam đang cần tiền gấp để xoay xở kinh doanh nên đã yêu cầu 2 anh chị mình là Lý Đạt và Lý Nhị phân chia di sản sớm. Tuy nhiên, yêu cầu của Lý Tam bị anh trai và chị gái từ chối vì họ cho rằng nên đợi tang lễ của cha mẹ kết thúc mới tiến hành phân chia tài sản thừa kế.

Sau đó một thời gian, việc phân chia tài sản giữa cả ba vẫn bị trì hoãn. Cho rằng anh chị “không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác”, Lý Tam tức giận đuổi chị gái ra khỏi cửa hàng do cha mẹ để lại.

Bức xúc vì bị em trai cư xử thô bạo, Lý Nhị nộp đơn kiện lên Tòa án Tiêu Lâm thuộc Tòa án thành phố Từ Kê, yêu cầu chia thừa kế theo đúng quy định của pháp luật Trung Quốc. Tuy nhiên, vụ án gặp không ít khó khăn do có nhiều người thừa kế hợp pháp và mâu thuẫn nội bộ phức tạp. Một số người thân liên quan đến số tài sản mà vợ chồng ông Lý để lại đã đồng ý để 3 người con của họ thừa kế toàn bộ di sản. Trong khi đó, một  số khác lại phản đối và không hợp tác trong quá trình xác định quyền sở hữu.

Cha mẹ mất để lại tài sản hơn 18 tỷ đồng, 3 anh chị em kiện nhau đòi thừa kế, tòa án tuyên bố: “Tài sản chia đều nhưng mỗi người bị phạt hơn 73 triệu”- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Internet

Trong buổi hòa giải đầu tiên, thẩm phán đã đưa ra phương án phân chia tài sản sơ bộ: Lý Đạt và Lý Tam nhận thừa kế nhà đất, còn Lý Nhị nhận phần vàng và tiền gửi. Tuy nhiên, cả 3 không thể thống nhất về số tiền cụ thể, dẫn đến hòa giải thất bại.

Không chỉ mâu thuẫn về quyền thừa kế, 3 anh em họ Lý còn có nhiều bất đồng trong cuộc sống  khiến quá trình hòa giải càng thêm căng thẳng. Phiên tòa đầu tiên phải tạm hoãn vì Lý Nhị cung cấp thêm chứng cứ và yêu cầu tòa thu thập tài liệu mới.

Đến phiên xét xử thứ hai, căng thẳng giữa các bên tiếp tục leo thang. Trong lúc bày tỏ quan điểm của bản thân, 3 anh chị em nhà họ Lý đã xảy ra xô xát ngay tại tòa khiến một số người bị thương nhẹ. Sau khi bình tĩnh lại, Lý Tam nhận ra hành vi bộc phát của mình là sai và bày tỏ mong muốn xin lỗi chị gái. 

Dưới sự hướng dẫn của thẩm phán, cả 3 đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn, giãi bày những hiểu lầm và xung đột tích tụ suốt nhiều năm. Mâu thuẫn giữa anh chị em nhà họ Lý được hóa giải phần nào giúp tiến trình phân chia tài sản diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Để tránh bị chi phối bởi các bên liên quan, lần hòa giải tiếp theo, toà án địa phương quyết định tổ chức kín, chỉ có ba anh chị em nhà họ Lý tham gia. Tuy nhiên, khác với sự im lặng trước đó, lần này anh cả Lý Đạt lại phát sinh tranh cãi với em trai Lý Tam về chuyện phân chia bất động sản mà cha mình để lại.

Cha mẹ mất để lại tài sản hơn 18 tỷ đồng, 3 anh chị em kiện nhau đòi thừa kế, tòa án tuyên bố: “Tài sản chia đều nhưng mỗi người bị phạt hơn 73 triệu”- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Internet

Đến tối cùng ngày, sau nhiều giờ thương lượng, 3 anh chị em họ Lý đã đạt được thỏa thuận cuối cùng và ký vào biên bản hòa giải. Biên bản này quy định rõ: Bất kể những người thừa kế khác có ký tên hay không, thỏa thuận này vẫn có hiệu lực đối với 3 anh chị em họ Lý.

Tuy nhiên, vì vụ việc còn liên quan đến một số người thân khác, thẩm phán tiếp tục cùng Lý Đạt và Lý Tam đến gặp từng người để phân giải và thuyết phục họ chấp nhận phương án hoà giải. Sau hai ngày vận động, tất cả các bên còn lại đã đồng thuận ký vào biên bản hòa giải. Vụ tranh chấp được giải quyết ổn thỏa. 

Thẩm phán vụ án sau đó cho biết khối tài sản 5 triệu NDT mà vợ chồng ông Lý để lại đã được chia đều cho 3 người con. Tuy nhiên, cả 3 cũng bị phạt hành chính 20.000 NDT (hơn 73 triệu đồng) vì từng có hành vi gây rối trật tự tại toà án. 

Theo thẩm phán, yếu tố quan trọng nhất để hòa giải thành công không chỉ là áp dụng đúng luật pháp Trung Quốc mà còn là sự chân thành, thấu hiểu và kiên trì trong việc hóa giải cảm xúc giữa các bên. 

Từ vụ việc này, toà án Trung Quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập di chúc hợp pháp khi còn sống, đặc biệt là với người cao tuổi. Điều này không chỉ giúp bảo vệ tài sản cá nhân mà còn tránh những xung đột không đáng có giữa các thành viên trong gia đình sau khi mất.

(Theo New.qq)