Conic Boulevard

Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng về phát triển đường sắt

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, trước mắt ưu tiên tập trung công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Tái cơ cấu Tổng công ty đường sắt Việt Nam

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo, tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.

Thông báo nêu rõ, với quy mô đầu tư của hệ thống đường sắt trong thời gian tới là rất lớn, bao gồm đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam ; đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM… Đây là cơ hội để chúng ta làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp đường sắt.

Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng về phát triển đường sắt- Ảnh 1.

Mục tiêu đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt


Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội cho phép để kịp thời bổ sung thêm đầy đủ các cơ chế để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định trong tháng 5.

Mục tiêu đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt (làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt…). Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc đổi mới tư duy, vượt qua giới hạn bản thân, phát huy tinh thần tự lực, tự cường.

Trong đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, trước hết là tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; huy động mọi nguồn lực, xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; có tổng công trình sư có trình độ, năng lực, kinh nghiệm để chỉ đạo các dự án…

Thủ tướng lưu ý, trước mắt ưu tiên tập trung công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ; giao các địa phương làm chủ đầu tư các dự án giải phóng mặt bằng, các địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn lực. Bộ Tài chính chỉ đạo, tổ chức lập đề án tái cơ cấu Tổng công ty đường sắt Việt Nam (theo định hướng mô hình tập đoàn) để tham gia vào quá trình triển khai thực hiện các dự án; hoàn thành trong tháng 6/2025.

Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc đối với kiến nghị về việc tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện theo trình tự, thủ tục, quy định pháp luật để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ động chủ trì, phối hợp với các đối tác có năng lực lập hồ sơ dự án tổ hợp công nghiệp đường sắt phục vụ các dự án đường sắt theo trình tự, thủ tục, quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khởi công tháng 12

Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến chỉ đạo đối với một số dự án cụ thể. Về tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ Tài chính được giao trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước trong tháng 4/2025 để tiến hành thẩm định, đáp ứng tiến độ khởi công vào tháng 12/2025.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao dự thảo và gửi Công thư của Phó Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc phụ trách lĩnh vực để hỗ trợ về vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho dự án này.

Với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Bộ Xây dựng có trách nhiệm trình Chính phủ bổ sung cơ chế về chỉ định thầu cho dự án trong tháng 4/2025; tập trung hoàn thiện các thủ tục để phấn đấu khởi công dự án vào cuối năm 2026; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Về các dự án đường sắt đô thị, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội và TPHCM khẩn trương triển khai Nghị quyết số 188 của Quốc hội: Xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến độ công việc triển khai các cơ chế chính sách và ban hành kế hoạch riêng của mỗi thành phố thuộc thẩm quyền của địa phương; hoàn thành trong tháng 5/2025.

Thủ tướng cũng yêu cầu hai thành phố này rà soát lại kế hoạch triển khai các tuyến, xác định rõ phương án huy động nguồn vốn cho từng dự án. Đồng thời, phải có trách nhiệm phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia; báo cáo kịp thời tình hình triển khai.

Bộ Tài chính được giao hoàn thiện thủ tục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội - Yên Sở (Hoàng Mai) theo đề nghị của UBND thành phố Hà Nội .

Bộ Tài chính sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án đường sắt đô thị TPHCM, tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương và điều chỉnh nguồn vốn cho dự án.