Chi hơn 14,5 tỷ đồng mua 75 hợp đồng bảo hiểm, người phụ nữ “lỗ nặng”, phải hủy mất 61 cái: "Họ cam kết lãi cao hơn gửi tiết kiệm nhưng không phải"

Tin vào lời cam kết "lãi cao hơn gửi ngân hàng" của nhân viên tư vấn, người phụ nữ Trung Quốc đã chi số tiền lớn mua 75 hợp đồng bảo hiểm.

Lỗ nặng vì mua bảo hiểm

Theo tờ Dingdian News - Dahe Daily, bà Dư, 49 tuổi, ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc, đã âm thầm mua 75 hợp đồng bảo hiểm từ năm 2010 đến 2021 mà không thông báo với gia đình. Tổng chi phí mà người phụ nữ này bỏ ra là hơn 4,13 triệu NDT (hơn 14,5 tỷ đồng). Những hợp đồng này chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ có cổ tức và bảo hiểm toàn diện, với mức phí phải đóng hằng năm lên đến vài trăm nghìn NDT.

Bà Dư cho biết trong hơn 10 năm đó, nhiều nhân viên tư vấn tại Phòng tiếp thị số 7 của Công ty bảo hiểm nhân thọ Trịnh Châu Trung Quốc đã thuyết phục bà tiếp tục mua bảo hiểm với lời hứa về lợi nhuận cao, “cao hơn gửi tiết kiệm ở ngân hàng”. Trong số đó có quản lý họ Phong thường dẫn bà đến tham dự những buổi hội thảo tặng quà và hứa hẹn nhiều quyền lợi hấp dẫn khi mua bảo hiểm. 

“Chỉ cần trong tài khoản của tôi có tiền, họ sẽ tìm cách lấy đi,” bà Dư nói.

Chi hơn 14,5 tỷ đồng mua 75 hợp đồng bảo hiểm, người phụ nữ “lỗ nặng”, phải hủy mất 61 cái: "Họ cam kết lãi cao hơn gửi tiết kiệm nhưng không phải"- Ảnh 1.

Ảnh: Baijiahao

Khi không còn đủ khả năng tài chính để đóng phí hay mua bảo hiểm mới, bà Dư được những nhân viên trên khuyên nên vay mượn hoặc thế chấp tài sản. Sự việc chỉ bị phát hiện khi người phụ nữ này đề nghị con trai chuyển tiền để gia hạn bảo hiểm vào tháng 10 năm ngoái, khiến mối quan hệ trong gia đình rạn nứt. 

Bà Dư cho biết, một số hợp đồng bảo hiểm được phát hiện không có chữ ký của bà và bà nghi ngờ chúng đã bị ký thay. Đến năm 2021, bà Dư đã yêu cầu huỷ 61 hợp đồng, trong đó có 2 hợp đồng đã hết hạn và giữ lại 14 hợp đồng đang có hiệu lực.

Công ty bảo hiểm bác bỏ cáo buộc

Phản hồi về khiếu nại, Chi nhánh Trịnh Châu của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc khẳng định bà Dư chỉ mua 34 hợp đồng với tổng phí hơn 3,44 triệu NDT. Phía công ty nhấn mạnh mọi giao dịch đều có chữ ký xác nhận của bà Dư, không có chuyện nhân viên ký thay hay bán hàng sai lệch thông tin.

Theo hồ sơ giải trình, 3 nhân viên bán hàng có liên quan đều cho biết đã giải thích đầy đủ điều khoản hợp đồng cho bà Dư và có ghi âm, ghi hình làm bằng chứng. Họ cũng thông báo rõ hậu quả tài chính mà bà Dư sẽ gặp phải nếu huỷ hợp đồng, nhưng người phụ nữ này vẫn quyết định huỷ 26 hợp đồng với thiệt hại hơn 1,26 triệu NDT.

Ngày 6/1/2021, quản lý Phong làm việc tại Phòng tiếp thị số 7 thuộc Công ty bảo hiểm nhân thọ Trịnh Châu Trung Quốc, thừa nhận đã bán bảo hiểm cho bà Dư nhưng phủ nhận cáo buộc có hành vi dụ dỗ và ký thay. Trong khi đó, ông Cao, Giám đốc phòng tiếp thị số 7, từ chối trả lời phỏng vấn của báo chí và cho biết sẽ trả lời bằng văn bản sau khi báo cáo cấp trên.

Cùng ngày, bà Dư đã nộp đơn khiếu nại lên Cục Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm địa phương. Đại diện cơ quan này cho biết sẽ xem xét và xử lý vụ việc nếu có căn cứ cho thấy hành vi vi phạm pháp luật Trung Quốc trong quá trình bán hàng.

Dù kết quả vụ việc không được công bố, song qua câu chuyện của bà Dư, cơ quan chức năng địa phương nhắc nhở mọi người nên cẩn trọng hơn khi tham gia bảo hiểm.

Chi hơn 14,5 tỷ đồng mua 75 hợp đồng bảo hiểm, người phụ nữ “lỗ nặng”, phải hủy mất 61 cái: "Họ cam kết lãi cao hơn gửi tiết kiệm nhưng không phải"- Ảnh 2.

Ảnh: Baijiahao

Bảo hiểm không phải “kênh đầu tư”, cần thận trọng khi mua

Luật sư Triệu Ngọc Đào ở Trịnh Châu cho biết, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Kinh doanh bảo hiểm của Trung Quốc, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin trung thực, minh bạch, không được quảng cáo sai lệch hoặc gây hiểu lầm cho khách hàng.

Nếu có căn cứ cho rằng nhân viên bảo hiểm lừa dối, đưa thông tin sai lệch hoặc ký thay khách hàng, người tiêu dùng có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu hoặc huỷ hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự Trung Quốc. Trong trường hợp tranh chấp chữ ký, các bên có thể ủy thác cơ quan giám định tư pháp để xác định chữ viết tay.

Bên cạnh đó, việc người mua có tiếp tục đóng phí hay không, thời điểm thanh toán cũng là yếu tố để xác định ý chí thực sự khi ký hợp đồng. Nếu không đạt được thoả thuận, các bên có thể hoà giải qua Uỷ ban hoà giải ngành bảo hiểm hoặc khởi kiện ra toà.

Ông Trương, chuyên gia tài chính tại một công ty bảo hiểm ở Trịnh Châu, khuyên mọi người nên lập kế hoạch tài chính rõ ràng trước khi tham gia bảo hiểm: “Bảo hiểm nên tập trung vào bảo vệ rủi ro hơn là tìm kiếm lợi nhuận. Nếu muốn tích lũy, có thể chọn sản phẩm có rủi ro thấp và mục tiêu rõ ràng.”

Ngoài ra, người tiêu dùng Trung Quốc cũng cần xác định khả năng tài chính của bản thân, không nên chi tiêu vượt khả năng, tránh trường hợp bị lôi kéo vào những hợp đồng không thực sự cần thiết. Việc rút bảo hiểm trước hạn thường gây thiệt hại lớn, cả về giá trị và tâm lý.

 (Theo Baijiahao)