Conic Boulevard

Chiêu lừa đảo mới tinh xuất hiện, nhắm vào tiền tiết kiệm cả đời trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân

Nhắn tin nhầm số: ‘Mỏ vàng’ mới của những kẻ lừa đảo

“Chào, bạn khỏe không?”

“Ê, lưng bạn còn đau không vậy?”

“Xin lỗi, mình đến trễ một chút, gặp bạn lúc 6:15 nhé”.

Theo CNBC, nếu bạn từng nhận được những tin nhắn có vẻ ngẫu nhiên và vô hại như vậy, bạn không phải là người duy nhất. Và đây không đơn thuần là tin nhắn nhầm số. Tội phạm mạng ngày càng sử dụng chiêu trò “nhắn nhầm số” với sự hỗ trợ của AI để lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân và truy cập vào tài khoản ngân hàng.

Ann Nagel, một nhân viên tại một trường đại học ngoại ô Chicago, từng nhận được một tin nhắn đủ thuyết phục để khiến cô nghĩ rằng mình nên phản hồi. “Tôi đã tưởng đó là tin nhắn của một thành viên trong tổ chức tôi điều hành ở địa phương. Ban đầu tôi đã suýt tin”, Nagel kể.

Nhưng cô nhanh chóng nhận ra đây là trò lừa khi người nhắn yêu cầu cô mua một thẻ quà tặng Vanilla Visa và cào phần mã số ở mặt sau. Nagel lập tức kết thúc cuộc trò chuyện. “Họ đúng là một lũ trộm ranh ma”, Nagel nói.

Steve Grobman, Giám đốc công nghệ của McAfee, cho biết đằng sau những tin nhắn tưởng chừng vô hại ấy là cả một âm mưu tinh vi. Những kẻ nhắn tin thường đến từ nước ngoài, với mục tiêu đầu tiên là xác minh số điện thoại còn hoạt động và liệu người nhận có sẵn sàng tương tác hay không.

“Họ đưa số của bạn vào cơ sở dữ liệu để có thể nhắm mục tiêu chính xác cho các vụ lừa đảo sau này”, Grobman cho biết. Ngay cả khi lần nhắn đầu không hiệu quả, kẻ gian vẫn có thể lưu lại số này để sử dụng trong tương lai. Nếu số bị chặn, chúng sẽ chuyển sang nạn nhân khác — điều đang xảy ra trong làn sóng lừa đảo "phạt phí cầu đường" gần đây.

“Khi đã đạt được mục tiêu đầu tiên, chúng sẽ cố gắng xây dựng một mối quan hệ nào đó”, Grobman nói thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng các đối tượng này thường thuộc các tổ chức tội phạm quy mô lớn, có tổ chức và được đào tạo bài bản.

Mục tiêu cuối cùng của chúng là chiếm đoạt tài sản và Grobman cho rằng những vụ lừa có giá trị cao nhất là các trường hợp tạo dựng mối quan hệ thân thiết để lừa tiền, còn gọi là “lừa đảo vỗ béo”.

“Chiêu này mất thời gian, nhưng chúng kiên trì nuôi dưỡng mối quan hệ và dần dần lấy lòng tin”, Grobman nói.

Năm 2024, người tiêu dùng Mỹ đã mất 470 triệu USD do các vụ lừa đảo bắt đầu từ tin nhắn SMS, theo FTC — cao gấp năm lần so với năm 2020.

Các vụ lừa đảo qua tin nhắn kéo dài — đôi khi có yếu tố tình cảm — nhằm vào tiền tiết kiệm cả đời hoặc tài khoản hưu trí của nạn nhân. “Vì giá trị thu được quá lớn, nên chúng sẵn sàng đầu tư thời gian”, Grobman nhận định.

AI đang giúp loại hình lừa đảo vốn tốn công và thời gian này trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn. AI có thể xác định vùng mã số điện thoại để cá nhân hóa nội dung tin nhắn, lướt qua hồ sơ mạng xã hội và dựng lên “mạng lưới gia đình” của nạn nhân.

“Tin nhắn nhầm số” đang gia tăng vì sự kết hợp giữa các vụ rò rỉ dữ liệu trong vài năm qua và sự phổ biến của AI.

“Điều này cho phép tội phạm tạo ra các kịch bản lừa đảo cực kỳ đáng tin, mức độ tương tác cao hơn và tỷ lệ người bị lừa tăng lên”, Grobman nói. “Người dùng cần cực kỳ cẩn trọng. Tốt nhất là đừng tương tác”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc này không dễ với nhiều người, vì yếu tố tâm lý là một phần trong "bộ công cụ" của kẻ lừa đảo, bên cạnh AI và phần mềm. “Chúng đánh vào nhu cầu kết nối của con người,” theo nhà tâm lý học Malka Shaw ở New Jersey, người cho biết số nạn nhân lừa đảo qua tin nhắn mà cô tiếp xúc đã tăng lên.