Nhiều đứa trẻ ngày nay nhìn thì thông minh, hiểu chuyện, nhưng chỉ cần gặp chút khó khăn là dễ sụp đổ. Bị thầy cô trách nhẹ một câu cũng có thể buồn cả ngày. Xích mích nhỏ với bạn bè cũng đủ khiến các em dằn vặt không nguôi.
Không ít cha mẹ thấy lạ vì con chưa từng thiếu thốn gì, chưa từng chịu khổ, tại sao lại dễ tổn thương và thiếu tự tin đến vậy?
Thực tế, EQ, khả năng chịu đựng thất bại và sự tự tin của trẻ không thể chỉ dạy bằng lý thuyết mà phải được hình thành từ chính trải nghiệm sống. Trưởng thành không chỉ diễn ra bên bàn học. Nhiều khi, một nơi chốn, một lần trải nghiệm lại để lại dấu ấn sâu sắc hơn cả trăm cuốn sách.
Nếu thường xuyên dẫn con đến 3 nơi sau, con sẽ ngày càng vững vàng, biết ứng xử linh hoạt, và mạnh mẽ từ bên trong.
1. Chợ truyền thống
Nhiều cha mẹ cho rằng dẫn con đi chợ là chuyện không cần thiết, chẳng bằng để ở nhà làm bài tập hay đọc sách. Nhưng thực ra, chợ là một "sân học thực tế" giúp trẻ quan sát xã hội và rèn EQ rất hiệu quả.
Ở chợ, người đông, việc nhiều, tiếng ồn ào... tất cả đều là chất liệu cho trẻ học cách quan sát, bắt chuyện, thương lượng và xử lý tình huống. Đừng nghĩ chuyện mua rau củ là đơn giản. Từ việc chọn một mớ rau, trả giá cho ký khoai tây, đến việc từ chối khéo một lời mời gọi, tất cả đều là cơ hội luyện EQ.

Ảnh minh họa
Có bà mẹ từng chia sẻ lần đầu đưa con trai đi chợ, chị đưa cậu nhóc 10.000 đồng, chỉ vào đống táo rồi nói: "Con thử hỏi giá, rồi tự quyết định mua thế nào nhé".
Ban đầu, cậu bé rụt rè không dám đi, nhưng cuối cùng vẫn dũng cảm tiến tới. Khi quay lại, mặt đầy phấn khích, thì thầm: "Ông chủ quán còn tặng thêm cho con một quả nữa!".
Trẻ em trong gia đình hiện đại thường được bao bọc, ít khi có cơ hội tự xử lý tình huống xã hội. Nhưng ở chợ, con được quan sát người lớn giao tiếp, học cách ứng xử với người xa lạ, nhìn thấy nét mặt, giọng điệu, cảm xúc thật, thậm chí phải học cách chờ đợi, nhường nhịn và thích nghi.
So với những "mẫu câu giao tiếp" học thuộc lòng trong lớp, kỹ năng thực tế ngoài đời như ở chợ chính là nền tảng để trẻ phát triển EQ và là sự chuẩn bị cần thiết cho cuộc sống sau này.
Hãy đừng xem nhẹ những lần đưa con đi chợ. Có thể con chẳng nhớ hết tên các loại rau, nhưng sẽ nhớ được cảm giác: mình có thể tự hỏi, tự quyết định và hoàn thành một việc nho nhỏ. Đó chính là hạt mầm đầu tiên của sự tự tin.
2. Thư viện
Dẫn con đến thư viện không phải để ép con yêu đọc sách hay biến con thành học sinh giỏi. Mục tiêu là để trẻ được sống trong một không gian yên tĩnh, có quy tắc, và từ đó học được cách tập trung, biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình.
Trẻ em ngày nay lớn lên giữa dòng thông tin dồn dập, nào tivi, nào điện thoại, nào trò chơi, nào hoạt hình… Tất cả kích thích liên tục chỉ trong vài phút. Lâu dần, các em khó mà tập trung vào một việc gì đó.
Nhưng khả năng kiểm soát cảm xúc và duy trì sự chú ý đều cần được nuôi dưỡng trong những môi trường yên bình, có tính kỷ luật. Và thư viện chính là nơi như vậy. Ở thư viện, không ồn ào, không chạy nhảy, mọi người đều im lặng đọc, nghĩ suy trong thế giới riêng của mình. Với trẻ, không gian ấy vừa lạ lẫm vừa mang đến cảm giác trang trọng.

Ảnh minh họa
Một bà mẹ kể lần đầu đưa con trai vào thư viện, cậu bé cứ chạy quanh, rồi bất chợt hỏi: "Mẹ ơi, yên tĩnh thế này, chắc không được nói chuyện đâu nhỉ?".
Chị mỉm cười gật đầu, cùng con chọn một cuốn sách tranh rồi ngồi đọc từ từ. Ban đầu con chưa quen, cứ cựa quậy liên tục, nhưng chỉ một lát sau, cậu đã bị cuốn hút bởi không khí yên lặng xung quanh và bắt đầu say mê với những trang sách. Từ những lần đầu ấy, con học được cách ngồi yên, tập trung, kiên nhẫn. Mà đó chính là những kỹ năng quý giá trong hành trình lớn lên.
Vậy nên, đừng vội thúc con đọc thêm sách này sách kia. Hãy để con quen với việc bước chân vào thư viện, học cách lắng nghe sự tĩnh lặng, đó chính là bước khởi đầu quan trọng cho sự trưởng thành về cảm xúc. Một đứa trẻ biết tĩnh tâm, dù đi đến đâu trong tương lai cũng dễ giữ được sự vững vàng, không dao động trước biến động cuộc sống.
3. Leo núi
Cuộc sống của trẻ bây giờ quá tiện nghi, có thang máy thay vì thang bộ, xe đưa đón thay vì đi bộ, chỉ đi bộ vài bước là đã than mệt, gặp chút khó khăn là muốn bỏ cuộc. Muốn con có sức bền, khả năng chịu đựng và sự tự tin, cha mẹ nên thường xuyên cho con đi leo núi.
Có gia đình kể họ rất hay dẫn con gái đi leo núi. Lúc đầu bé rất hào hứng, chạy nhảy dẫn đầu. Nhưng chẳng bao lâu sau, bắt đầu than nóng, than mệt, rồi ngồi bệt xuống bậc đá, nước mắt rưng rưng, nhất quyết không muốn đi tiếp.
Lúc đó, thay vì la mắng hay ép buộc, bố mẹ cô bé ngồi xuống cạnh con, cho con nghỉ một lát, uống ngụm nước rồi nhẹ nhàng nói: "Không cần chạy nhanh, chỉ cần từng bước từng bước là con sẽ lên đến đỉnh".
Cô bé mím môi, nghỉ ngơi đủ rồi lại tiếp tục leo, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Nhưng khi lên tới đỉnh, gương mặt cô bé lại rạng rỡ đầy tự hào vì con vừa làm được điều tưởng chừng không thể.

Ảnh minh họa
Nhiều cha mẹ sợ con vất vả, sợ con mệt, sợ con khóc nhưng có những bài học không ai học thay được và nghị lực là một trong số đó. Leo núi còn là hành trình có "thành quả rõ ràng", từng bước, từng bậc tiến lên, đến đỉnh là thấy toàn cảnh đẹp thu vào trong mắt. Trẻ sẽ cảm nhận rõ ràng rằng chỉ cần không bỏ cuộc, nhất định sẽ tới đích.
Cảm giác "chính mình đã làm được" mạnh mẽ hơn cả trăm lần cha mẹ nói "con làm được mà". Hơn nữa, đường núi không bao giờ bằng phẳng, có chỗ dốc, chỗ đá rơi, đôi khi phải đi vòng, nhường người khác… giống như chính cuộc đời vậy. Qua những chuyến đi như vậy, trẻ học cách điều tiết cảm xúc, phân phối sức lực, vượt qua cơn nản lòng. Đó là những kỹ năng vô hình nhưng là "bộ khung" nâng đỡ tương lai.