Một bác sĩ tim mạch hàng đầu vừa chia sẻ chính trải nghiệm cận kề cái chết của mình nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của đau tim – ngay cả với những người vốn hiểu rất rõ về rủi ro này, báo Anh Mirror đưa tin.
Tiến sĩ William Wilson, một bác sĩ tim mạch dày dạn kinh nghiệm tại Úc, đã vô cùng bất ngờ khi bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu điển hình của một cơn đau tim, và ông giác không tin nổi điều này đang xảy ra.
Ở tuổi 63, Tiến sĩ Wilson nghĩ mình đang rất khỏe mạnh, sung sức, thậm chí mô tả tình trạng sức khỏe của mình là “tuyệt vời” trước khi tai biến xảy ra.
Ông kể rằng lối sống của mình luôn năng động, với công việc chuyên môn bận rộn và chế độ tập luyện đều đặn – dù sao thì hiểu biết về trái tim cũng là chuyên môn của ông.

Tiến sĩ William Wilson, một bác sĩ tim mạch dày dạn kinh nghiệm tại Úc.
Đau tim ‘ập tới’ vào lúc không ngờ nhất
Cú sốc về sức khỏe xảy ra khi Tiến sĩ Wilson đi du lịch cùng vợ vào tháng 1 năm 2018. Khi đó, vợ ông gợi ý cả hai vợ chồng cùng tập thể dục, và ông đáp lại một cách thoải mái: “Được thôi” – nhưng đâu ngờ rằng quyết định đó sẽ dẫn tới một phát hiện gây chấn động.
Trong lúc tập luyện, Tiến sĩ Wilson nhận thấy có điều gì đó không ổn; ông không thể tập theo nhịp độ thông thường trên máy leo cầu thang. Lúc đó, dấu hiệu cảnh báo đầu tiên xuất hiện.
Nhớ lại khoảnh khắc đó, ông chia sẻ: “Cảm giác không phải kiểu đau nhói mà là một áp lực khó chịu trong lồng ngực. Đáng lẽ tôi phải nhận ra điều này vì đây là công việc của tôi.”
Khi đó, Tiến sĩ Wilson đã mắc một sai lầm - ông coi nhẹ dấu hiệu này, nghĩ rằng đó chỉ là chuyện nhỏ.
Khi mồ hôi bắt đầu đổ ra như tắm – không tương xứng với mức độ vận động – ông bắt đầu nhận ra sự thật, dù vẫn không muốn đối diện với nó.

Dấu hiệu đầu tiên mà Tiến sĩ Wilson trải qua là khó chịu ở lồng ngực. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ kể lại: “Áo tôi ướt sũng, và những người xung quanh có thể thấy rõ điều đó”, ngay cả khi đó, ông vẫn tự trấn an chính mình: “Chuyện này không thể xảy ra.”
“Trong trạng thái phủ nhận”, ông nói, “Tôi cứ nghĩ: ‘Chuyện này không thể xảy ra với tôi được, tôi là bác sĩ tim mạch mà.’”
Ông nhấn mạnh rằng những người đang trải qua cơn đau tim thường có cảm giác buồn đi vệ sinh ngay lập tức do hệ thần kinh liên quan đến tim bị kích hoạt.
Sau đó, ông vào phòng vệ sinh trong phòng tập vì cảm thấy không khỏe. Khi bước ra, ông tiến đến chỗ vợ và nói: “Anh đang bị đau tim.”
Trong đoạn video chia sẻ về trải nghiệm của mình, Tiến sĩ Wilson xúc động nhớ lại khoảnh khắc quan trọng đó. Ông nghẹn ngào và dành nhiều lời khen ngợi cho sự xử lý nhanh nhạy của vợ mình.
“Cô ấy lo liệu tất cả,” ông nói, “Cô ấy chỉ nói: ‘Đi thôi’.”
Sau đó, Tiến sĩ Wilson gọi đến phòng cấp cứu – nơi ông vẫn thường điều trị cho bệnh nhân – để thông báo rằng chính ông đang bị đau tim. Khi ông đến nơi, toàn bộ đội ngũ y tế đã “sẵn sàng cho ông”, tạo nên một khoảnh khắc vô cùng đặc biệt đối với vị bác sĩ.
Ông chia sẻ: “Có lẽ tôi không phải là người mà họ nghĩ sẽ bị đau tim. Điều quan trọng nhất khi bị đau tim là phải đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.”
“Một khi bạn đã đến đó, đội ngũ tim mạch và nhân viên bệnh viện sẽ xử lý phần còn lại.”
Nâng cao nhận thức về đau tim
Khi chia sẻ trải nghiệm của mình, Tiến sĩ Wilson hy vọng có thể nâng cao nhận thức về dấu hiệu đau tim, kêu gọi mọi người đừng mắc sai lầm giống ông.
“Mỗi hơi thở là một lời nhắc nhở rằng tôi thật may mắn. Mọi thứ hoàn toàn có thể đã rẽ theo một hướng khác. Tôi may mắn còn sống – và tôi tin vào Chúa”, vị bác sĩ tim mạch nói.
Ông gửi lời cảm ơn đến các đồng nghiệp, đội ngũ nhân viên và ê-kíp cấp cứu tại bệnh viện, mô tả quy trình cứu chữa đã “vận hành như đồng hồ”.
Ông cũng bày tỏ “lòng biết ơn vô bờ” đến tất cả các y tá đã chăm sóc mình sau đó.
Theo Tổ chức Tim mạch Anh (British Heart Foundation), các bệnh về tim và tuần hoàn chiếm khoảng 26% tổng số ca tử vong hàng năm tại Vương quốc Anh. Tương tự, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association) báo cáo rằng cứ ba người lớn ở Mỹ thì có một người mắc bệnh tim.
Theo Mirror