Có một kiểu trẻ con mà ai cũng nghĩ là ngoan, nhưng thực ra, nó "đáng sợ" hơn nhiều so với những đứa trẻ “hư”. Đó là những đứa trẻ không quậy phá, không cãi lời, không bỏ học, cũng chẳng bao giờ khiến cha mẹ phải chạy đôn chạy đáo lên văn phòng nhà trường vì “lỡ tay” đánh bạn. Trông thì vô cùng hoàn hảo, nhưng sự thật là, cái hoàn hảo đó chính là lớp vỏ ngụy trang kín kẽ nhất.
Bạn đã bao giờ gặp những đứa trẻ lúc nào cũng tỏ ra dễ thương, lễ phép, biết vâng lời tuyệt đối? Bề ngoài, chúng giống như những thiên thần nhỏ được lập trình để làm hài lòng mọi người xung quanh. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, bạn sẽ nhận ra một điều khác: Chúng chẳng thực sự quan tâm đến ai, thậm chí là chính bản thân mình.
Đáng sợ nhất ở đây không phải là một đứa trẻ bướng bỉnh, làm trái ý cha mẹ để khẳng định cái tôi cá nhân. Điều kinh hoàng thật sự là một đứa trẻ hoàn toàn đánh mất cái tôi của mình để trở thành bản sao của những kỳ vọng và yêu cầu người lớn đặt ra. Từ những câu như “Con phải học thật giỏi”, “Con phải ngoan ngoãn nghe lời”, “Con không được làm cha mẹ buồn”... mà trẻ em dần học cách điều chỉnh hành vi của mình để làm hài lòng người khác.

Những đứa trẻ này thường đánh mất cái tôi.
Đó là những đứa trẻ sẽ tự động bật chế độ “ngoan” khi có người lớn xung quanh. Chúng làm tất cả mọi thứ đúng chuẩn mực. Luôn chăm chỉ học hành, luôn lễ phép thưa gửi, luôn im lặng khi không được hỏi. Nhưng đằng sau vẻ ngoài ngoan ngoãn đó, rất có thể là một tâm hồn rỗng tuếch, không cảm xúc, không đam mê và không cả chính kiến. Chúng sống như những con rô-bốt được lập trình, sợ mắc lỗi đến nỗi chẳng dám làm gì khác biệt.
Một đứa trẻ hư có thể gào lên “Con ghét ba mẹ!” trong cơn tức giận. Nghe thì thật đau lòng, nhưng ít nhất nó vẫn đang biểu đạt cảm xúc thật của mình. Còn kiểu trẻ “hoàn hảo” này sẽ chẳng bao giờ nổi giận, chẳng bao giờ dám phản đối. Chúng nhẫn nhịn, kìm nén, rồi biến sự tức giận thành những nụ cười giả tạo. Điều nguy hiểm là, khi sống quá lâu với cái vỏ bọc “ngoan ngoãn”, chúng sẽ dần đánh mất cả khả năng hiểu và thể hiện cảm xúc thật của chính mình.
Cha mẹ thường thở phào khi thấy con mình không bướng bỉnh, không cãi lời, không phá phách. “Con tôi ngoan mà!” – câu nói quen thuộc mà nhiều phụ huynh tự an ủi bản thân, mà không nhận ra rằng, đôi khi sự ngoan ngoãn ấy không phải là thành quả của tình yêu thương hay giáo dục đúng đắn, mà chỉ là một cơ chế tự vệ của con trẻ.
Đứa trẻ ngoan thái quá thường là những đứa trẻ nhạy cảm, dễ tổn thương, và sợ bị từ chối. Chúng hiểu rằng cách tốt nhất để được yêu thương là phải làm hài lòng người khác. Thay vì được nuôi dưỡng trong một môi trường an toàn để phát triển, chúng bị kẹt trong vòng xoáy của sự kỳ vọng. Từ đó, dần dần, chúng không dám mơ mộng, không dám thể hiện cái tôi, và cũng chẳng dám làm bất kỳ điều gì có thể bị đánh giá là “sai trái”.

Đứa trẻ ngoan thái quá thường là những đứa trẻ nhạy cảm, dễ tổn thương, và sợ bị từ chối.
Có lẽ, kiểu trẻ đáng sợ nhất không phải là những đứa trẻ quậy phá, nổi loạn mà chính là những đứa trẻ đã hoàn toàn từ bỏ việc tìm kiếm bản sắc cá nhân để trở thành thứ mà người lớn mong muốn. Đó mới thật sự là một sự mất mát không thể đong đếm được.
Vậy thì, điều mà các bậc phụ huynh cần làm là gì? Thay vì chăm chăm vào việc làm sao để con mình trở nên ngoan ngoãn, có lẽ họ nên hỏi: “Con muốn gì?”, “Con cảm thấy thế nào?” và “Con nghĩ sao về điều này?”. Một đứa trẻ được phép thể hiện cảm xúc thật, được phép sai lầm, và được phép sống với chính bản thân mình, mới là một đứa trẻ khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Cha mẹ nào cũng muốn con mình ngoan. Nhưng nếu “ngoan” đồng nghĩa với việc đánh mất cái tôi cá nhân, thì có lẽ, cái giá phải trả là quá đắt.