Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam mắc liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) với biểu hiện viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, kèm biến chứng mất thính lực. Đây là một trong những di chứng nặng nề và không thể hồi phục của bệnh.
Bệnh nhân N.V.P (62 tuổi, Bắc Ninh) có tiền sử ăn nem sống, tiết canh và thường xuyên tiếp xúc với lợn. Khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, ông bị sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn. Ông P. tự điều trị tại nhà nhưng bệnh không thuyên giảm nên phải nhập viện.
Bác sĩ xác định ông bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do liên cầu khuẩn lợn. Sau 12 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, nhưng thính lực của ông không thể phục hồi.

Bác sĩ kiểm tra sức khoẻ cho người bệnh nhiễm liên cầu khuẩn.
Bệnh nhân L.V.N (54 tuổi, ở Lào Cai), có tiền sử ăn tiết canh và lòng lợn, nhập viện sau một tuần bị sốt, đau đầu và triệu chứng nhiễm khuẩn huyết. Trong thời gian điều trị tại địa phương, tình trạng sức khỏe của ông không cải thiện, vẫn sốt cao, đau đầu, nôn mửa và xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ viêm màng não.
Xét nghiệm cho thấy vi khuẩn Streptococcus suis là nguyên nhân gây bệnh. Bệnh nhân đã bị mất thính lực do tổn thương dây thần kinh thính giác.
Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Mặc dù bệnh viện đã cảnh báo về bệnh này, nhưng thói quen ăn uống thiếu an toàn vẫn là nguyên nhân chính khiến bệnh tiếp tục tái diễn.
Bác sĩ Thiệu khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, nem sống hoặc thịt lợn chưa nấu chín kỹ. Cần tránh tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm hoặc nghi mắc bệnh mà không có bảo hộ lao động. Khi có dấu hiệu nghi ngờ như sốt, đau đầu, ù tai, buồn nôn, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.