Conic Boulevard

Động thái bất ngờ của OPEC+ đẩy giá dầu WTI xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021

Giá dầu thô Mỹ (WTI) giảm sâu sau khi OPEC+ tuyên bố tăng mạnh sản lượng, dấy lên lo ngại về dư cung toàn cầu trong bối cảnh kinh tế có nguy cơ suy thoái.
Động thái bất ngờ của OPEC+ đẩy giá dầu WTI xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021- Ảnh 1.

 Ngày 5/5, giá dầu thô Mỹ (WTI) đã giảm 2%, xuống còn 57,13 USD/thùng — mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Đồng thời, dầu Brent – chuẩn toàn cầu – cũng giảm 1,7%, xuống mức 60,23 USD/thùng. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu đã "bốc hơi" khoảng 20%.

Nguyên nhân chính là quyết định bất ngờ của liên minh các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), do Ả Rập Xê Út dẫn đầu, về việc tiếp tục tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 6, chỉ một tháng sau khi đã tăng với quy mô tương tự vào tháng 5. Mức tăng này gần gấp ba lần so với dự báo trước đó của Goldman Sachs, đẩy tổng nguồn cung tăng thêm hơn 800.000 thùng/ngày chỉ trong vòng hai tháng.

Theo các chuyên gia, động thái này khiến thị trường lo ngại về tình trạng dư cung trầm trọng, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ dầu đang đối mặt với rủi ro suy giảm do căng thẳng thương mại leo thang và khả năng suy thoái kinh tế. Trong báo cáo mới nhất, Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu WTI năm 2025 xuống còn 56 USD/thùng, giảm 3 USD so với trước đó. “Nguy cơ suy thoái cao và công suất dự phòng lớn đang khiến rủi ro nghiêng về xu hướng giá dầu giảm,” ông Daan Struyven – trưởng bộ phận nghiên cứu dầu khí của ngân hàng này – nhận định.

Tác động của giá dầu yếu cũng bắt đầu lan rộng đến các doanh nghiệp ngành năng lượng. Hai ông lớn Chevron và Exxon đã công bố lợi nhuận quý I/2025 sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty dịch vụ dầu khí như Baker Hughes và SLB cũng cảnh báo rằng hoạt động đầu tư thăm dò và khai thác đang bị kìm hãm. CEO Baker Hughes, ông Lorenzo Simonelli, cho biết “triển vọng dư cung, thuế quan tăng, bất ổn địa chính trị và hoạt động yếu ở Ả Rập Xê Út đang khiến chi tiêu cho thượng nguồn bị co hẹp trên phạm vi toàn cầu.”

Tham khảo: CNBC