Ở thời buổi này - khi giá BĐS vẫn đang trong trạng thái "chót vót", có lẽ chúng ta đều thấm thía câu nói: Một tấc đất, một tấc vàng. Những bạn trẻ có nền tảng gia đình vững chắc về mặt tài chính được coi là những người may mắn, vì không cần đau đáu nghĩ chuyện "làm bao lâu mới đủ tiền mua nhà?" do đã có đất đai, nhà cửa cha mẹ để lại.
Rõ ràng, điều này chẳng có gì phải bàn cãi. Cha mẹ nỗ lực cố gắng để đến đời con cái bớt khó khăn, vất vả là chuyện dễ hiểu. Nhưng những người trẻ vốn được coi là "may mắn hơn khối người ấy", thực ra, cũng có nhiều nỗi khổ tâm chẳng biết tỏ bày cùng ai.
Tâm sự của cô gái 28 tuổi trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp như vậy...
Được thừa kế nhà 400m2 cùng 1 mảnh đất 100m2, tự tích lũy được 3 cây vàng nhưng vẫn thấy bấp bênh vô cùngNguyên văn tâm sự của cô gái 28 tuổi này, như sau: "Mình không biết bản thân đang bị overthinking hay trầm cảm nữa...

Ảnh minh họa
Mình là nữ, 28 tuổi, được thừa kế một căn nhà 400m2 ở quê với một miếng đất thổ cư 100m2. Ngoài ra, mình còn tự tích góp được 3 cây vàng nhờ kinh doanh. Đầu năm 2022 đến giữa 2023, việc buôn bán còn ổn nên thu nhập cũng ổn, nhưng từ cuối 2023 đầu 2024, kinh tế xuống dốc, khách ít dần, mình không gồng nổi nữa nên đành trả mặt bằng, thanh lý hết.
Hiện tại, mình đang thất nghiệp, chỉ sống bằng mấy công việc part-time linh tinh như phục vụ, bán đồ ăn sáng, bán len, bán cà phê, chạy ship đồ ăn. Mỗi tháng kiếm được khoảng 10-15 triệu, không cố định.
Mình biết nhiều người làm lụng cả đời để có được miếng đất, ngôi nhà, còn mình thì có sẵn. Nghe thì tưởng ổn áp, nhưng thật ra chẳng ổn chút nào. Ba mẹ kỳ vọng quá nhiều, còn mình thì thất nghiệp, nên vẫn phải giả vờ đang có việc làm ổn định, mỗi tháng gửi về một ít để ba mẹ yên tâm...
Mỗi tháng, trừ hết chi phí thì mình còn dư 3-5 triệu, khoản này để dành lo cho ba mẹ. Là con một, mình biết sau này chăm ba mẹ là trách nhiệm của mình. Nhưng nghĩ tới tương lai là lại thấy áp lực, vì hiện giờ chẳng có gì chắc chắn trong tay. Mình không có bạn bè thân thiết, không công việc ổn định, cũng chẳng có ai để tâm sự. Ngoài thời gian đi làm thì tui chỉ quanh quẩn trong phòng trọ, móc len, đối diện bốn bức tường. Đầu óc mình lúc nào cũng trong trạng thái lo lắng, sợ tuổi càng lớn thì càng khó phát triển, sợ ba mẹ đổ bệnh mà không có tiền lo, sợ nhiều thứ vẩn vơ.
Hiện giờ, mình đang cố học ngoại ngữ để xin được làm công việc văn phòng hoặc 1 công việc gì đó có thể tích lũy kinh nghiệm, có chuyên môn. Thu nhập hiện tại chỉ vừa đủ sống, chưa từng dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Một ngày 24 tiếng, chắc chỉ có lúc ngủ là mimnhf thấy yên ổn nhất..." .
Trong phần bình luận của bài đăng này, nhiều người bày tỏ sự đồng cảm, động viên cô gái cố gắng. Cũng không ít người khuyên cô nên thành thật với ba mẹ về tình trạng hiện tại, bởi nếu cứ để trạng thái căng thẳng, hoảng sợ như thế này kéo dài quá lâu, e là cũng không ổn...

Nhiều người an ủi, động viên cô gái này
"Em ơi nếu thấy áp lực quá thì đừng cố gắng chịu đựng 1 mình. Đôi khi là do em tự áp lực rằng bố mẹ muốn em ổn định, chứ cũng chưa hẳn là bố mẹ đã đặt áp lực đó lên em. Bố mẹ đã có nhà, có đất cho em thì có thể cũng không cần tới vài triệu em gửi về mỗi tháng, em cũng nói đó là em cố để muốn bố mẹ yên tâm, nên chị mới nghĩ có khi nào là áp lực tự thân không? Đừng dằn vặt bản thân quá em ạ, 28 tuổi là còn rất trẻ để bắt đầu, không có gì phải sợ, nên áp lực quá thì cứ về tâm sự với bố mẹ. Còn lại thì em đang tính toán rất đúng rồi, cứ thế mà triển thôi" - Một người khuyên răn.
Khủng hoảng hiện sinh của "người thừa kế"
Việc sở hữu một khối tài sản đáng kể trong khi bản thân chưa có sự nghiệp ổn định - giống như tâm sự của cô gái 28 tuổi phía trên, là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn nội tâm. Một mặt, cô có một nền tảng vật chất mà nhiều người mơ ước. Mặt khác, sự thiếu vắng một công việc ổn định khiến cô có cảm giác bản thân "vô dụng", đồng thời lo sợ về việc không thể tự chủ tài chính trong tương lai.

Ảnh minh họa
Xã hội thường đánh giá sự thành công của một người qua sự nghiệp và khả năng tạo ra thu nhập. Ở độ tuổi 28, nhiều người đã có những vị trí nhất định trong công việc, hoặc không, thì chí ít cũng có khoảng 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nào đó. Thế nên, cảm giác bất an, lo lắng khi thất nghiệp trong hoàn cảnh của cô gái này là điều hoàn toàn dễ hiểu, và rất bình thường.
Bên cạnh đó, việc nhận được một tài sản lớn mà không phải do chính mình tạo ra có thể dẫn đến cảm giác "không xứng đáng" hoặc lo sợ rằng mình không biết cách quản lý nó một cách hiệu quả.
Với những người đang trong hoàn cảnh tương tự như cô gái này, vượt qua khó khăn mang tên khủng hoảng hiện sinh của người thừa kế là một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn với chính mình.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất: Hãy cho phép mình cảm nhận những cảm xúc tiêu cực đó. Đừng cố gắng trốn tránh hay phủ nhận chúng. Hãy gọi tên chúng: "Tôi đang cảm thấy lo lắng", "Tôi đang cảm thấy bất an", "Tôi đang cảm thấy tự ti". Việc nhận diện cảm xúc sẽ giúp bạn đối diện với chúng một cách trực tiếp hơn thay vì để chúng âm thầm chi phối.
Tiếp theo, hãy thay đổi góc nhìn về "thất nghiệp" : Thay vì coi đây là một "thất bại" hay một dấu chấm hết, hãy nhìn nhận đây là một giai đoạn chuyển tiếp, một cơ hội để bạn có thời gian nhìn lại bản thân, khám phá những khả năng mới và định hướng lại con đường sự nghiệp của mình. Bạn đang có một lợi thế lớn là có một nền tảng tài chính vững chắc hơn nhiều người, hãy tận dụng điều này để giảm bớt áp lực về mặt tài chính trong quá trình tìm kiếm hoặc xây dựng sự nghiệp.
Đừng so sánh mình với người khác: Mỗi người có một hành trình riêng, một thời điểm riêng để đạt được những thành tựu trong cuộc sống. Việc so sánh mình với người khác chỉ khiến bạn thêm áp lực và tự ti. Hãy tập trung vào sự phát triển của bản thân và đặt ra những mục tiêu phù hợp với năng lực và hoàn cảnh hiện tại của bạn.
Lập kế hoạch và hành động: Sự bất an thường đến từ cảm giác mất kiểm soát. Để giảm bớt điều này, hãy bắt đầu bằng việc lập kế hoạch cho tương lai của mình. Bạn có thể suy nghĩ về những lựa chọn sau: Học thêm một kỹ năng mới (có thể là ngôn ngữ mới, hoặc cách sử dụng các công cụ phục vụ cho công việc,...), tìm kiếm việc làm freelancer ổn định, bán hàng online, làm liên kết tiếp thị,...
Chăm sóc bản thân: Đừng để sự lo lắng cuốn bạn đi. Hãy đảm bảo bạn có một chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và dành thời gian cho những hoạt động bạn yêu thích. Việc chăm sóc tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần là nền tảng để bạn vượt qua mọi khó khăn.
Cuối cùng, đừng bao giờ quên rằng: Giá trị của bạn không chỉ được đo bằng công việc hay thu nhập. Bạn là một cá nhân độc đáo và có giá trị riêng. Và thất nghiệp chỉ là một trạng thái tạm thời, giống như một đợt nóng, một đợt âm u,... Và chẳng có cơn mưa nào dai dẳng hoài không ngớt, miễn là bản thân mình còn cố gắng, còn niềm tin.