Từ những chiếc xe hơi gắn drone trên nóc, phần mềm tự lái miễn phí cho đến công nghệ sạc pin chỉ trong năm phút – tốc độ đổi mới chóng mặt của hãng xe điện Trung Quốc BYD đang thúc đẩy giai đoạn cạnh tranh khốc liệt nhất trong ngành công nghiệp ô tô.
Các mức thuế bao trùm mà ông Donald Trump đưa ra dự kiến sẽ khiến chi phí nguyên liệu và linh kiện điện tử tại Mỹ và châu Âu tăng cao, dẫn đến đà giảm tốc thêm nữa trong doanh số xe điện (EV).
Tuy nhiên, doanh số tại Trung Quốc – thị trường EV lớn nhất thế giới – được dự báo sẽ tăng khoảng 20% trong năm nay, đạt 12,5 triệu xe. Theo dữ liệu từ HSBC, khi xe điện bắt đầu vượt mặt xe động cơ đốt trong về doanh số, thì 78% lượng xe bán ra chỉ đến từ 10 công ty, trong đó riêng BYD chiếm tới 27%.
Theo Yuqian Ding, nhà phân tích tại Bắc Kinh của HSBC, điều đó có nghĩa là còn khoảng 52 thương hiệu xe đang cạnh tranh nhau cho 22% còn lại của thị trường Trung Quốc, bao gồm hơn 30 thương hiệu sản xuất chưa tới 30.000 xe mỗi năm và có thể sớm biến mất.
Với tốc độ ra mắt một mẫu xe mới trung bình mỗi hai ngày tại Trung Quốc, việc bắt kịp các công nghệ tiên tiến – như tính năng hỗ trợ lái và hệ thống giải trí mới nhất – đã trở thành yếu tố sống còn khi thị trường dần được tái cấu trúc.
Ding cho biết thị trường hiện tại đã trở nên “nhị phân”, chia tách giữa các công ty có khả năng phát triển “EV thông minh” và những công ty không có. Bà nói thêm rằng khi thị trường xe chạy nhiên liệu truyền thống tiếp tục suy thoái, ngành công nghiệp này đang bước vào thời kỳ “cạnh tranh khốc liệt nhất” trong lịch sử.
“Hoặc là bạn bỏ cuộc, hoặc là theo cược (fold or call)” (Call - Tăng tổng mức cược trong vòng hiện tại lên bằng tổng mức cược cao nhất hiện thời, Fold - bỏ toàn bộ tiền cược trong ván và bỏ ván bài) , bà nói, ám chỉ đến thuật ngữ dùng khi chơi poker về việc từ bỏ hoặc chấp nhận đầu tư ngang bằng với đối thủ.
Các tính năng như tự động chuyển làn trên đường cao tốc và đỗ xe tự động vốn đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các hãng xe nội địa đang ngày càng phát triển phần mềm lái tự động tiên tiến hơn, sớm hơn so với dự báo của nhiều nhà phân tích, nhờ vào sự hỗ trợ của các mô hình ngôn ngữ lớn dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI). Những hệ thống AI này giúp các hãng xe rút ngắn thời gian huấn luyện xe tự lái trong các điều kiện đường sá mô phỏng và dễ dàng tích hợp các bộ dữ liệu bản đồ hơn.
Raymond Tsang, chuyên gia công nghệ ô tô tại Bain, Thượng Hải cho biết các công ty Trung Quốc đang “tăng tốc đầu tư” vào phần mềm hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao (ADAS) để nhắm tới phân khúc cao cấp – vốn trước đây do các hãng xe nước ngoài thống trị.
“Tất cả các hãng xe Trung Quốc đều đang cố gắng cạnh tranh ở phân khúc cao cấp”, ông nói. “Họ tập trung mạnh vào các tính năng này. Đây chính là lợi thế cạnh tranh của họ”.
Tesla của Elon Musk – hãng sản xuất xe tại Thượng Hải và từng được ghi nhận là nguồn cảm hứng ban đầu khiến người tiêu dùng Trung Quốc say mê xe điện – đang mất dần thị phần khi người tiêu dùng chuyển sang các mẫu xe mới hơn như của đối thủ lớn nhất là BYD.
Trong hai tháng đầu năm nay, khi Musk bị cuốn vào chính trường Mỹ với vai trò cố vấn cho Tổng thống Donald Trump, thị phần xe điện thuần túy (không bao gồm hybrid) của Tesla tại Trung Quốc chỉ còn 7%, giảm từ 12% cùng kỳ năm ngoái.
BYD cho biết họ đã bán được 416.000 xe điện trong quý I năm nay, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Tesla cho biết rằng họ đã giao 337.000 xe trên toàn cầu trong cùng kỳ – thấp hơn nhiều so với mức dự báo 390.000 của giới phân tích và cũng giảm so với 387.000 xe của năm ngoái.
Kể từ năm 2020, khi Tesla ra mắt Model 3 tại Trung Quốc, hãng chỉ tung ra tổng cộng 4 mẫu xe mới hoặc bản nâng cấp, trong khi BYD ra mắt khoảng 130 mẫu xe trong cùng khoảng thời gian.
“Bắt kịp thị trường nội địa là một thách thức thực sự”, theo ông Bill Russo – nhà sáng lập Automobility và cựu Giám đốc Chrysler khu vực Bắc Á.
Thị phần của các hãng xe nước ngoài giảm xuống mức thấp kỷ lục – chỉ còn 31% trong hai tháng đầu năm 2025, tức đã mất 1/3 thị phần kể từ năm 2020.
Chuyên gia phân tích Paul Gong từ UBS cho biết mức lợi nhuận trung bình 20 tỷ USD mỗi năm mà các hãng xe nước ngoài từng có được tại Trung Quốc trong thập kỷ qua đang bị đe dọa. Nếu thị phần của họ giảm xuống chỉ còn 20%, họ có thể rơi vào tình trạng dư thừa công suất sản xuất tới 10 triệu xe.
Volkswagen của Đức và Toyota của Nhật – hai trong số những tập đoàn xe hơi lớn nhất thế giới – đang phản công bằng cách đầu tư mạnh vào sản xuất trong nước và hợp tác công nghệ với các công ty Trung Quốc. Gần đây, BMW đã công bố các thỏa thuận hợp tác với Alibaba và Huawei, trong bối cảnh các công ty nước ngoài đang chuyển sang dùng phần mềm sản xuất tại Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội sống sót.
Tuy nhiên, việc BYD tung ra hệ thống tự lái cao cấp miễn phí có tên “God’s Eye” vào tháng hai, cùng với quan hệ hợp tác với hãng sản xuất drone hàng đầu DJI và công bố hệ thống sạc siêu tốc, đã khiến áp lực lên các đối thủ ngày càng lớn.
Chiếc drone – có thể được phóng lên khi xe đang di chuyển và tự động quay trở lại – ban đầu có thể chỉ là một công cụ tiếp thị, nhắm đến đối tượng là những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội vốn rất phổ biến ở Trung Quốc, nhằm giúp họ ghi lại những thước phim ấn tượng từ góc nhìn trên cao về chiếc xe và môi trường xung quanh.
Hệ thống này cũng đánh dấu bước tiến của BYD vào cái gọi là "nền kinh tế độ cao thấp", bao gồm việc sử dụng drone cho các hoạt động hậu cần, nông nghiệp và dịch vụ khẩn cấp. Theo công ty tư vấn Bernstein, ngành công nghiệp non trẻ này dự kiến sẽ tăng trưởng từ 5 tỷ USD hiện tại lên 24 tỷ USD vào năm 2030.
Mối đe dọa rõ ràng hơn đối với các hãng xe đối thủ đến từ quyết định của nhà sáng lập BYD khi tung ra 21 mẫu xe mới được trang bị hệ thống lái nâng cao God’s Eye mà không thu bất kỳ khoản phí nào. Điều này đã làm dấy lên nghi ngờ về tương lai nguồn doanh thu mà nhiều hãng xe, bao gồm cả Tesla, đang kỳ vọng từ việc bán các hệ thống lái nâng cao dưới hình thức dịch vụ đăng ký đắt tiền.
Việc triển khai các hệ thống sạc siêu tốc của BYD và tập đoàn pin nội địa đối thủ CATL sẽ diễn ra chậm hơn, nhưng theo các nhà phân tích, về lâu dài, những hệ thống này có thể sẽ giúp xóa bỏ nỗi lo của người tiêu dùng về quãng đường di chuyển của xe điện.
Bên cạnh việc ra mắt các mẫu xe và tính năng mới, các hãng xe Trung Quốc cũng đang tiến hành một cuộc chiến giá cả không ngừng nghỉ, khiến áp lực tài chính đối với các công ty trong nước ngày càng tăng cao.

William Li – nhà sáng lập hãng xe điện cao cấp Nio, hiện đang niêm yết trên sàn Nasdaq – đã thông báo với nhân viên vào tháng 3 rằng công ty sẽ cắt giảm chi phí trên toàn bộ hoạt động kinh doanh do cạnh tranh ngày càng gay gắt. Công ty cũng đã công bố kế hoạch huy động vốn 450 triệu USD.
Neta – một hãng xe điện được hậu thuẫn bởi tập đoàn pin CATL – buộc phải tạm thời đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc do thiếu hụt dòng tiền. Tháng trước, các nhà cung cấp chưa được thanh toán đã tổ chức biểu tình tại trụ sở chính của công ty ở Thượng Hải.
Các câu hỏi cũng đang được đặt ra về độ an toàn và quy định đối với xe thông minh. Xiaomi – công ty điện tử tiêu dùng vừa gia nhập thị trường xe điện – cho biết hôm thứ ba rằng họ đang hợp tác với cơ quan công an để điều tra một vụ tai nạn chết người liên quan đến một chiếc xe của hãng.
Ming Hsun Lee – chuyên gia phân tích ngành ô tô tại Bank of America cho biết sự sụp đổ của Jiyue vào năm ngoái (thương hiệu xe điện liên doanh giữa ông lớn ô tô Geely và tập đoàn tìm kiếm Baidu) cho thấy ngay cả những công ty khởi nghiệp EV được hậu thuẫn bởi các “ông lớn” tài chính và các nhà sản xuất thiết bị truyền thống nước ngoài cũng có thể gặp rủi ro.
“Ngay cả khi bạn có 'phụ huynh đại gia' nắm trong tay nhiều tiền mặt, bạn vẫn có thể phá sản”, Lee nói.
Theo: Financial Times