Gửi 35 tỷ đồng vào gói tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, 4 tháng sau ‘tá hoả’ vì tài khoản còn 0 đồng, ngân hàng thông báo: ‘Chính chị đã thực hiện 200 giao dịch’

Một vụ kiện hy hữu đã diễn ra vào năm 2016, liên quan đến khoản tiền tiết kiệm trị giá gần 35 tỷ đồng “bốc hơi” chỉ sau 4 tháng.

Theo bản án dân sự phúc thẩm được công bố trên trang web tài liệu pháp lý của Trung Quốc, vào ngày 20/4/2016, Lý - một phụ nữ sinh năm 1980, đã mở tài khoản và gửi tiết kiệm 10 triệu Nhân dân tệ (khoảng 35 tỷ đồng) tại chi nhánh ở khu vực Lợi Á Loan (thuộc quận Thiên Hà, Quảng Châu) của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) theo lời đề nghị từ bạn là ông Ngụy, một nhân viên môi giới chứng khoán. 

Hai bên thỏa thuận gửi trong vòng 6 tháng và hứa hẹn lãi suất cao. Ngay sau khi tiền được gửi, chị Lý nhận được khoản lãi 620.000 Nhân dân tệ từ ông Ngụy, được chuyển qua tài khoản ngân hàng Trung Quốc tại Quảng Châu.

Tuy nhiên, đến ngày 29/8/2016, khi chị Lý đến rút tiền thì tá hỏa phát hiện tài khoản hoàn toàn trống rỗng. Sau khi tra soát, phía ngân hàng cho biết toàn bộ số tiền đã được chuyển sang tài khoản của một công ty có tên Viễn thông Ngân Thịnh trong 5 ngày, với tổng cộng 200 giao dịch nhỏ.

Cuộc điều tra sau đó cho thấy, một nhóm lừa đảo đã cấu kết với các công ty thanh toán bên thứ 3 như Công ty Ngân Thịnh để ký kết các thỏa thuận khấu trừ ủy quyền giả mạo.

Nhóm này dụ dỗ các nạn nhân, trong đó có chị Lý, gửi tiền vào các chi nhánh ngân hàng cụ thể với lời hứa lãi cao. Sau đó, họ giả mạo “ủy quyền khấu trừ” và chuyển tiền ra khỏi tài khoản nạn nhân thông qua các nền tảng thanh toán điện tử của bên thứ 3. Phía Công ty Ngân Thịnh thừa nhận không thể xác minh hiệu lực thời gian của các giấy ủy quyền này, do hệ thống không hỗ trợ chức năng đó.

Ban đầu, tòa án sơ thẩm tuyên bác đơn kiện của chị Lý, cho rằng chị đã không bật chức năng báo biến động số dư qua tin nhắn, đồng thời có dấu hiệu tiết lộ thông tin cá nhân, tạo điều kiện cho hành vi lừa đảo. Ngân hàng được cho là không sai sót trong việc thực hiện các giao dịch.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, khi các bị can bị bắt và lời khai rõ ràng, Hội đồng xét xử nhận định rằng chi nhánh Lợi Á Loan không đảm bảo nghĩa vụ bảo vệ an toàn tài sản trong hợp đồng tiền gửi. Việc 200 giao dịch với cùng một tài khoản trong vòng 5 ngày mà không bị phát hiện là dấu hiệu quản lý rủi ro yếu kém.

Đáng chú ý, ngân hàng không hề liên hệ với khách hàng để xác minh, cũng không thực hiện kiểm tra lại theo quy định đối với các giao dịch khả nghi, vi phạm quy trình xử lý của hệ thống thanh toán nhỏ lẻ.

Tòa án phúc thẩm kết luận: cả chị Lý và ngân hàng đều có lỗi trong vụ việc. Ngân hàng không kiểm soát rủi ro và thiếu trách nhiệm giám sát giao dịch, trong khi chị Lý để lộ thông tin tài khoản, không đăng ký dịch vụ cảnh báo và không phát hiện kịp thời 200 giao dịch chỉ trong vài ngày.

Xét thấy chị Lý đã nhận được 620.000 Nhân dân tệ tiền “lãi” và có thể nhận lại 400.000 Nhân dân tệ từ tiền thu giữ trong vụ án này, tòa án xác định thiệt hại thực tế còn lại là 8,98 triệu Nhân dân tệ. Căn cứ vào mức độ lỗi, ngân hàng bị phải bồi thường 4,5 triệu Nhân dân tệ và lãi suất gửi không kỳ hạn từ ngày 29/4/2016 đến ngày thanh toán đầy đủ.

Vụ việc không chỉ là lời cảnh tỉnh với người gửi tiền về việc bảo mật thông tin cá nhân, mà còn là hồi chuông báo động với các ngân hàng trong việc giám sát giao dịch bất thường. Ngoài ra, việc ham lãi cao, giao dịch không thông qua kênh chính thức cũng là yếu tố khiến người dùng dễ trở thành nạn nhân của những thủ đoạn lừa đảo tinh vi.

Theo STCN