Trong thời đại nhắn tin "một chạm", sự cố gửi nhầm là chuyện ai cũng từng trải. Có người gửi nhầm cho crush tin nhắn "Ê mày, ảnh cười với tao, có phải ảnh thích tao?", có người gõ nhầm vào group lớp cái ảnh "chỉ nên gửi riêng", có người tag nhầm sếp vào đoạn chat cho bạn thân. Hậu quả hoặc là đối phương cảm thấy hoang mang, hoặc là gây ra hiểu lầm khó lòng giải thích.
Nếu rơi vào tình huống như vậy, phản xạ đầu tiên của bạn là gì? Bối rối? Xoá tin nhắn rồi giả vờ không có gì? Nhưng đôi khi, sự im lặng càng khiến tình huống thêm ngượng ngùng đấy. Trên thực tế, đây là lúc EQ thật sự được bộc lộ.
Người EQ thấp càng giải thích càng... quê
Có một vài phản ứng thường gặp của người EQ thấp khi gửi nhầm tin nhắn có thể kể đến như xoá ngay rồi lơ đi (dù thực tế ai cũng đã đọc hết), giải thích vòng vo kiểu "À tui định gửi cho nhỏ bạn á chứ không phải group này đâu nha, nhầm thật luôn á huhu", hay thậm chí là chối phắt hoặc đổ lỗi cho điện thoại: "Nó tự gửi luôn chứ không phải tui đâu!".
Những phản ứng này thường chỉ khiến tình huống càng kỳ cục hơn, khiến người nhận tin vừa bối rối vừa khó biết nên đáp lại thế nào. Và nếu tin nhắn đó có nội dung nhạy cảm, thái độ lấp liếm còn dễ khiến người khác hiểu lầm thêm.

Ảnh minh họa
Người EQ cao nhận lỗi, nói đùa và chuyển hướng tinh tế
Ngược lại, người EQ cao không cố "chạy trốn" khoảnh khắc lỡ tay mà đối mặt với nó bằng sự tỉnh táo, hóm hỉnh và biết cách làm người khác… quên luôn cảm giác kỳ cục. Họ có thể buông nhẹ một câu như: "Ơ trời ơi, xin lỗi mọi người, tay tui đi trước não tui mất rồi"/ "Vừa định tám riêng mà tay run quá, cho xin 1 phút độn thổ nhaaaa"/ "Ok đã nhầm rồi thì nhầm cho đáng: Ai có chuyện vui kể tui nghe với nào!"...
Chính sự chủ động nhận lỗi cộng thêm chút hài hước khiến người đối diện thấy thoải mái, không ai thấy khó chịu nữa mà thậm chí còn "thả haha" rần rần vì quá duyên.
Làm sao để "chữa ngượng" khi gửi nhầm tin nhắn?
Dưới đây là những nguyên tắc "cứu cánh" khi gặp sự cố gửi nhầm, giúp bạn vừa giữ thể diện, vừa ghi điểm EQ:
1. Đừng giả vờ "không thấy", hãy thừa nhận ngay và rõ ràng
Một tin nhắn sai, ai cũng thấy. Giả vờ im lặng chỉ làm không khí gượng gạo hơn. Thừa nhận sớm vừa dứt điểm tình huống, vừa thể hiện bạn là người có trách nhiệm với lời mình nói.
2. Đừng nói quá nhiều, chỉ cần 1 câu xin lỗi duyên dáng là đủ
Bạn không cần dài dòng giải thích rằng tin nhắn đó bạn gửi cho ai, lý do vì sao. Hãy gói gọn bằng một câu "xin lỗi nhẹ", có chút hài hước càng tốt. EQ cao không nằm ở độ "thành khẩn", mà nằm ở việc không làm người khác khó xử.

Ảnh minh họa
3. Dùng tự "phốt" bản thân để "chữa cháy"
Một câu đùa nhẹ về chính mình, như "tay nhanh hơn não", "tám quá đà", sẽ khiến người đọc thấy dễ chịu và dễ tha thứ hơn nhiều so với kiểu "chính chuyên" hoặc ngượng nghịu.
4. Đổi mạch trò chuyện, chủ động chuyển chủ đề
Sau khi "chữa quê", hãy tự mình gợi chuyện khác hoặc hỏi han người khác. Việc này giúp chuyển sự chú ý khỏi tin nhắn cũ và đưa group chat hoặc cuộc trò chuyện trở lại nhịp bình thường.
5. Với tin nhắn nhạy cảm, nên xin lỗi riêng, ngắn gọn và thẳng thắn
Nếu bạn lỡ gửi nhầm tin riêng tư, đánh giá ai đó, hay thông tin nhạy cảm cho người không nên nhận, hãy nhắn riêng một cách tử tế: "Xin lỗi bạn, mình đã gửi nhầm một đoạn không nên và thật sự không có ý khiến bạn khó chịu".
EQ cao cũng nằm ở khả năng xin lỗi đúng lúc, đúng cách, không giải thích vòng vo, không cố làm nhẹ chuyện, nhưng vẫn giữ được sự tôn trọng.
6. Đọc kỹ tin nhắn trước khi gửi
Và quan trọng nhất, hãy đọc kỹ tin nhắn và chú ý trước khi gửi tin nhắn. Càng tập trung, càng kỹ tính trong việc chọn đúng nhóm, đúng người, bạn càng tránh được tình huống ngượng ngùng không đáng có.