Trước thông tin Hà Nội tiến tới không còn xe máy xăng chạy trong tuyến đường vành đai 1, nhiều người dân bắt đầu tính đến chuyện chuyển sang sử dụng xe điện. Thế nhưng, đi kèm đó là những lo lắng thực tế về nơi sạc pin, đặc biệt tại các khu chung cư đông đúc, nơi chỗ để xe còn chật chội, chưa kể tới hệ thống điện chưa được thiết kế cho việc sạc xe hàng loạt.
Ghi nhận tại các chung cư trên đường Lạc Long Quân, Đê La Thành, Cầu Giấy, Hoàng Cầu,... nằm trên tuyến đường vành đai 1 Hà Nội, nhiều cư dân đều tỏ ra đồng tình việc cấm xe máy chạy xăng vào đường vành đai 1 Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều người cũng tỏ ra lo lắng vì hạ tầng hiện nay chưa sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu.

Đường Lạc Long Quân nằm trên tuyến đường vành đai 1 Hà Nội
Tại khu vực hầm gửi xe của một chung cư trên đường Đê La Thành, phần lớn chỗ để xe đều đã kín chỗ, hệ thống điện không được thiết kế để phục vụ dành riêng cho việc sạc xe điện.
Cô Tuyết - cư dân tại một toà chung cư ở Đê La Thành, cho biết cô hoàn toàn ủng hộ việc cấm xe máy chạy xăng đi vào khu vực vành đai 1.
“Hiện nay, tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội đang rất nghiêm trọng, việc người dân sử dụng xe điện làm phương tiện đi lại thay thế cho các xe máy chạy xăng mà có thể giúp cải thiện chất lượng không khí là điều rất tốt”, cô Tuyết nói.

Khu vực hầm để xe của một toà chung cư ở Đê La Thành không có chỗ phục vụ riêng cho xe điện
Tuy nhiên, bên cạnh việc ủng hộ, cô Tuyết cảm thấy lo lắng về vấn đề đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Ngoài ra, việc sạc pin cũng là điều khiến cô cảm thấy băn khoăn.
“Tại các toà chung cư đông người, việc đáp ứng đủ nhu cầu sạc pin xe điện cho người dân là điều rất khó. Nếu tất cả chuyển sang xe điện, chúng tôi sẽ sạc pin ở đâu khi khu vực gửi xe không đủ chỗ”, cô Tuyết tâm sự.

Một góc nhỏ trong khu vực để xe dưới một tòa chung cư trên phố Hoàng Cầu có lắp ổ điện phục vụ sạc pin, tuy nhiên số lượng điểm cắm hiện còn khá hạn chế
Cũng như cô Tuyết, anh Nam – cư dân sống tại một chung cư trên phố Hoàng Cầu bày tỏ sự ủng hộ việc cấm xe máy xăng nhằm giảm ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Tuy nhiên, anh cũng không giấu được những lo ngại về điều kiện hạ tầng.
“Việc chuyển từ xe máy chạy xăng sang xe điện giúp giảm ô nhiễm, tôi hoàn toàn đồng tình. Nhưng cái khó nằm ở chỗ hạ tầng tại các toà nhà chung cư hiện nay chưa sẵn sàng. Như khu để xe chỗ tôi ở có đến vài trăm chiếc xe máy, nếu tất cả đều chuyển sang xe điện thì không biết lấy đâu ra đủ ổ điện để sạc.
Thêm vào đó, việc nhiều xe sạc cùng lúc rất dễ dẫn đến quá tải rồi gây ra cháy nổ. Tôi hy vọng UBND TP. Hà Nội cũng như phía toà nhà có phương án hợp lý để giúp người dân” anh Nam chia sẻ.

Khu vực gửi xe của một toà chung cư nằm trong vành đai 1


Tại nơi đây cũng có chỗ dành riêng cho xe điện nhưng chỉ là một góc nhỏ
Trước đó, ngày 12/7, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 20 về các nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Chỉ thị yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để từ ngày 1/7/2026 không còn xe máy chạy xăng lưu thông trong khu vực vành đai 1.
Vành đai 1 là vành đai đầu tiên của Hà Nội, vùng giao thông xung quanh lõi trung tâm dài tổng cộng khoảng hơn 30 km.
Lộ trình cơ bản bao gồm các tuyến: Yên Phụ - Nghi Tàm - Âu Cơ - Lạc Long Quân - Bưởi - Cầu Giấy - Voi Phục - Hoàng Cầu - La Thành Ô Chợ Dừa - Xã Đàn - Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái - Trần Khánh Dư - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật, tạo thành vòng khép kín.
Trao đổi với báo chí, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ Tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, thành phố sẽ bổ sung quy hoạch các khu vực sạc điện cho ôtô, xe máy điện và phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác. Trước mắt, thành phố ưu tiên bố trí trạm sạc tại các điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trong tòa nhà chung cư.