Conic Boulevard

Hành khách 'chết lặng' vì hãng hàng không phá sản

Hãng hàng không Air Belgium, Bỉ chính thức tuyên bố phá sản vào cuối tháng 4, để lại khoản nợ hoàn tiền vé cho hành khách lên tới gần 8 triệu euro (khoảng hơn 230 tỷ đồng) và đẩy hàng nghìn người vào nguy cơ không được hoàn trả chi phí các chuyến bay đã bị hủy.

Cụ thể, vào ngày 30/4, tòa án thương mại Bỉ đã phê duyệt việc thanh lý Hãng hàng không Air Belgium , đồng thời chấp thuận cho tập đoàn vận tải biển CMA CGM tiếp quản mảng vận chuyển hàng hóa của hãng. Việc chuyển giao này giúp bảo toàn 124 việc làm, bao gồm 74 phi công.

Sau tuyên bố phá sản, vào ngày 15/5, Hiệp hội các đại lý du lịch và công ty lữ hành châu Âu (ECTAA) đã phát đi thông cáo yêu cầu Liên minh châu Âu ( EU ) khẩn trương sửa đổi luật, tăng cường cơ chế bảo vệ hành khách trong trường hợp hãng hàng không mất khả năng thanh toán.

Hành khách 'chết lặng' vì hãng hàng không phá sản- Ảnh 1.

Hãng hàng không Air Belgium phá sản để lại khoản nợ hoàn tiền vé cho hành khách lên tới gần 8 triệu euro (khoảng hơn 230 tỷ đồng).

ECTAA cho biết hơn 5 triệu euro (khoảng hơn 146 tỷ đồng) trong số gần 8 triệu euro (khoảng hơn 230 tỷ đồng) tiền hoàn vé đến từ các đơn hàng được bán thông qua các đại lý và công ty du lịch. Tuy nhiên, do Air Belgium hiện đang trong quá trình phá sản , các yêu cầu hoàn tiền của hành khách sẽ trở thành một phần của thủ tục pháp lý kéo dài và đầy bất định.

“Theo luật hiện hành, khi một đại lý du lịch bán vé máy bay trong gói dịch vụ trọn gói và hãng hàng không phá sản, đơn vị tổ chức gói dịch vụ có nghĩa vụ cung cấp chuyến bay thay thế. Tuy nhiên, họ không có cách nào để thu hồi tiền từ hãng bay đã phá sản”, đại diện ECTAA nhấn mạnh. “Điều này tạo ra gánh nặng tài chính bất công đối với các công ty trung gian”.

Ông Frank Oostdam - Chủ tịch ECTAA - cho rằng vụ phá sản của Hãng hàng không Air Belgium là minh chứng rõ ràng cho sự bất cập trong hệ thống bảo vệ người tiêu dùng hiện nay. “Người tiêu dùng và các doanh nghiệp du lịch đều đang chịu rủi ro không thể chấp nhận. Đã đến lúc các hãng hàng không phải có nghĩa vụ cung cấp đảm bảo tài chính để chi trả trong trường hợp phá sản”, ông Oostdam phát biểu.

Việc Air Belgium bị thanh lý diễn ra đúng thời điểm Liên minh châu Âu đang bàn thảo về việc sửa đổi quy định về quyền của hành khách hàng không. ECTAA kêu gọi các nhà lập pháp tận dụng cơ hội này để bổ sung quy định bắt buộc hoàn tiền vé cho hành khách nếu hãng bay ngừng hoạt động.

Hành khách 'chết lặng' vì hãng hàng không phá sản- Ảnh 2.

Air Belgium khẳng định phá sản là phương án duy nhất còn lại sau khi mọi hướng cứu vãn khác đều thất bại. Ảnh: Aviation24.be

Ông Niky Terzakis - Giám đốc điều hành Air Belgium - thừa nhận đây không phải là cái kết mong muốn nhưng là phương án duy nhất còn lại sau khi mọi hướng cứu vãn khác đều thất bại.

“Kể từ khi thành lập, Air Belgium đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức: Đại dịch COVID-19, chiến tranh tại Ukraine và nhiều biến động toàn cầu khác. Chúng tôi đã nỗ lực đến cùng”, ông Terzakis chia sẻ và nói thêm: “Tôi tự hào về đội ngũ vì tinh thần cống hiến và chuyên môn vững vàng. Đây cũng là lý do CMA CGM tin tưởng và tiếp quản hoạt động của chúng tôi”.

Ông Terzakis cho biết việc chuyển nhượng thành công có sự hỗ trợ từ nhiều bên, bao gồm các công đoàn, chính quyền, nhà cung cấp và khách hàng. Việc giữ lại các hoạt động hàng hóa được kỳ vọng sẽ mở ra tương lai tích cực cho ngành hàng không Bỉ.

Tại Anh, Cơ quan hàng không dân dụng (CAA) lưu ý rằng chỉ những chuyến bay được đặt qua các công ty có giấy phép Atol (giấy phép của đơn vị tổ chức du lịch hàng không) mới được bảo vệ trong trường hợp hãng bay phá sản. Trong những trường hợp đó, công ty lữ hành có trách nhiệm sắp xếp chuyến bay thay thế hoặc hoàn tiền cho khách hàng.

Tuy nhiên, phần lớn các chính sách bảo hiểm du lịch hiện hành đều không bao gồm điều khoản về phá sản hãng hàng không. Do đó, hành khách được khuyến cáo cần kiểm tra kỹ xem hành trình của mình có nằm trong diện bảo vệ bởi Atol hay không.

Theo The Independent