Jensen Huang vượt mặt Elon Musk và Tim Cook, trở thành biểu tượng CEO quyền lực nhất thế giới

Việc CEO Jensen Huang thuyết phục được Mỹ cho phép bán lại chip H20 tại Trung Quốc chỉ sau vài tháng đang cho thấy sự thay đổi về tầm ảnh hưởng giữa các tỷ phú công nghệ.
Jensen Huang vượt mặt Elon Musk và Tim Cook, trở thành biểu tượng CEO quyền lực nhất thế giới- Ảnh 1.

Trong hơn một thập kỷ qua, hai cái tên Elon Musk và Tim Cook đã thống trị sân khấu công nghệ toàn cầu. Nếu Elon Musk là biểu tượng của tầm nhìn cấp tiến, phá vỡ giới hạn vật lý với xe điện, tên lửa và cả mạng xã hội thì Tim Cook là hiện thân của năng lực điều hành hiệu quả, biến Apple thành cỗ máy kiếm tiền khổng lồ.

Tuy nhiên khi thế giới bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, một nhân vật mới đang vươn lên mạnh mẽ và lặng lẽ vượt qua cả hai người: Jensen Huang, nhà sáng lập kiêm CEO của Nvidia.

Sự trỗi dậy của CEO Jensen Huang, đặc biệt là trong mối quan hệ với chính quyền Tổng thống Donald Trump và khả năng điều hướng phức tạp trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung, đã đưa ông trở thành một biểu tượng toàn cầu mới.

Jensen Huang vượt mặt Elon Musk và Tim Cook, trở thành biểu tượng CEO quyền lực nhất thế giới- Ảnh 2.

Người hùng thời đại AI

Trong khi Musk và Cook đại diện cho kỷ nguyên phần cứng và tiêu dùng, thì Huang chính là "ông vua" của thời đại mới: kỷ nguyên của bộ não máy móc. Những con chip do Nvidia thiết kế hiện là nền tảng không thể thiếu cho các hệ thống trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất hành tinh.

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong vòng hai năm kể từ khi ChatGPT ra mắt, Nvidia đã trở thành công ty giá trị nhất thế giới, vượt qua cả Apple. Trong bóng dáng của thành công đó là Jensen Huang, từng bị coi là "dân kỹ thuật" khiêm tốn, giờ đây đã bước vào hàng ngũ của những nhân vật ảnh hưởng toàn cầu, không chỉ về công nghệ mà còn về địa chính trị.

Thật vậy, hãng tin CNBC và tờ Nikkei Asian Review nhận định Jensen Huang đã dần thay thế được Elon Musk và Tim Cook trong vai trò kết nối giữa Washington và Bắc Kinh.

Elon Musk từng là gương mặt công nghệ phương Tây được Trung Quốc ưu ái. Cuộc gặp kín năm 2018 giữa Elon Musk và Bắc Kinh là minh chứng cho điều đó.

Với sự hiện diện mạnh mẽ của Tesla tại Trung Quốc, nơi đóng góp đáng kể vào doanh thu và sản xuất của công ty, Elon Musk được Bắc Kinh xem là một "người bạn đầu tiên" và là tiếng nói lý trí tại Washington. Ông thường xuyên gặp gỡ các quan chức cấp cao Trung Quốc và được kỳ vọng sẽ đóng vai trò cầu nối trong căng thẳng thương mại.

Thế nhưng giờ đây, khi quan hệ giữa Elon Musk và Nhà Trắng rạn nứt còn Tesla đối mặt với áp lực kinh doanh tại cả Mỹ lẫn Trung Quốc thì Bắc Kinh đang tìm kiếm một cầu nối mới, và họ tìm thấy Jensen Huang.

Chính ông chủ Nvidia là người đã gặp gỡ cả chính quyền Tổng thống Donald Trump lẫn giới chức Trung Quốc, vừa thuyết phục Washington nới lỏng lệnh cấm chip AI, vừa được Bắc Kinh đón tiếp nồng nhiệt trong những chuyến thăm gần đây.

Theo các nhà phân tích Trung Quốc, CEO Jensen Huang không chỉ có sức hút mà còn mang lại giá trị chiến lược: duy trì ảnh hưởng công nghệ của Mỹ trong khi hỗ trợ hệ sinh thái AI Trung Quốc duy trì tiếp cận với chip tiên tiến.

Jensen Huang vượt mặt Elon Musk và Tim Cook, trở thành biểu tượng CEO quyền lực nhất thế giới- Ảnh 3.

Sự trỗi dậy của Huang đặc biệt ấn tượng vì Nvidia, không giống như Tesla, không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trung Quốc chỉ đóng góp một phần nhỏ vào tổng doanh thu của Nvidia, điều này giúp Huang có một vị thế đàm phán tương đối độc lập hơn so với Musk, người phải cân nhắc lợi ích kinh doanh khổng lồ của Tesla tại Trung Quốc.

Điều tương tự cũng xảy ra với Tim Cook.

Trong nhiệm kỳ năm 2016 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, CEO Tim Cook từng là nhân vật trung gian đáng tin cậy giữa Nhà Trắng và Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo của Apple đã thể hiện kỹ năng điều hướng chính sách bậc thầy. Bằng cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh trong khi khéo léo tránh được các hàng rào thuế quan của Mỹ, Tim Cook đã giữ vững vị thế của Apple tại Trung Quốc và củng cố danh tiếng của mình như một nhà đàm phán chính sách tài ba.

Dẫu vậy trong nhiệm kỳ năm 2025, Apple đang bị mất điểm khi Nhà Trắng công khai chỉ trích Tim Cook vì chuyển sản xuất sang Ấn Độ thay vì đưa về Mỹ. Thậm chí cố vấn thương mại Peter Navarro tuyên bố Apple không "rút khỏi Trung Quốc đủ nhanh".

Trong khi đó, Jensen Huang không cần phải chọn phe. Nvidia không phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, nhưng cũng đủ quan trọng để Bắc Kinh phải cân nhắc. Chính sự "đủ gần, nhưng không quá gần" này giúp CEO Jensen Huang linh hoạt hơn cả Tim Cook hay Elon Musk trong việc giữ thế cân bằng giữa hai siêu cường.

Điểm mấu chốt trong sự thăng tiến của CEO Jensen Huang nằm ở vị thế độc tôn của Nvidia trong lĩnh vực chip AI.

"Chỉ có một loại chip trên thế giới đang thúc đẩy cuộc cách mạng AI, và đó là của Nvidia," Dan Ives của Wedbush nhận định.

Điều này đã đẩy Jensen Huang vượt xa cả Elon Musk và Tim Cook về ảnh hưởng chính trị.

Không phô trương, vẫn định hình thế giới

Một điểm khác biệt rõ rệt giữa Jensen Huang và Elon Musk là phong cách lãnh đạo và truyền thông. Ông chủ Tesla thường xuyên khuấy động dư luận bằng các phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội, còn CEO Nvidia lại chọn cách tiếp cận điềm tĩnh và chiến lược.

Jensen Huang không làm trò, không gây tranh cãi, ông đi thẳng vào vấn đề, cho thấy một sự ổn định, chắc chắn, đáng tin cậy mà cả Bắc Kinh lẫn Washington đều mong muốn.

Jensen Huang vượt mặt Elon Musk và Tim Cook, trở thành biểu tượng CEO quyền lực nhất thế giới- Ảnh 4.

Một ví dụ điển hình là sau khi chip H20 của Nvidia bị chính quyền Mỹ liệt vào danh sách hạn chế xuất khẩu, CEO JensenHuang không la lối như Elon Musk mỗi khi gặp khó khăn. Ông đến Washington, gặp Tổng thống Donald Trump, đưa ra luận điểm rõ ràng: nếu Mỹ cấm chip Nvidia, Trung Quốc sẽ phát triển công nghệ nội địa, và Mỹ sẽ tự đánh mất vị thế dẫn đầu.

Quan điểm này được cho là đã tìm thấy tiếng nói chung với các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump, những người cũng lo ngại về việc mất đi lợi thế cạnh tranh.

Kết quả? Nvidia được phép bán lại chip H20 chỉ vài tháng sau.

Trong một thế giới nơi trí tuệ nhân tạo đang tái định hình mọi ngành công nghiệp, Jensen Huang không chỉ đại diện cho một công ty, mà đại diện cho cấu trúc công nghệ tương lai.

Các mô hình AI ngày càng phụ thuộc vào nền tảng phần cứng Nvidia, khiến ông trở thành người định hình không chỉ xu hướng công nghệ, mà cả quyền lực địa chính trị số.

Rõ ràng Jensen đang trở thành hình mẫu của một CEO thời đại mới: hiểu biết công nghệ sâu sắc, bản lĩnh chính trị vững vàng, và có tầm nhìn toàn cầu mà không cần phải phô trương.

Nếu Elon Musk từng là người truyền cảm hứng và Tim Cook là người giữ vững di sản thì Huang là kiến trúc sư của tương lai số. Trong một thế giới đang chia rẽ giữa an ninh và phát triển, giữa Mỹ và Trung Quốc, Jensen Huang đang xây "một cây cầu kết nối" không phải bằng lời nói mà bằng silicon và siêu máy tính.

*Nguồn: CNBC, Nikkei, Fortune