Kỳ thi vào lớp 10 tại hầu hết các địa phương cơ bản đã khép lại. Trên mạng xã hội, không khí vẫn đang rất rộn ràng với vô số những lời chúc mừng, những bảng vàng được dựng lên, những điểm số được khoe trong sự tự hào chính đáng của thầy cô, gia đình và bạn bè. Ai rồi cũng mong điều tốt đẹp nhất cho con mình và việc hãnh diện vì con đỗ đạt là cảm xúc hoàn toàn dễ hiểu.
Thế nhưng, ở đâu đó, giữa hàng ngàn lời chúc mừng ấy, vẫn có những đứa trẻ lặng lẽ khép lại giấc mơ mang tên "trường công lập". Các em không tiếp tục trên một con đường có thể đã được định sẵn là an toàn, ổn định, nhưng điều đó không có nghĩa là các em mất đi tất cả.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mỗi mùa thi đều vô hình đặt ra một ranh giới mong manh giữa "thành công" và "thất bại". Một đứa trẻ 15 tuổi, chỉ vì gặp cú vấp đầu tiên trong kỳ thi đầu đời, rất dễ bị nhìn nhận như thể tương lai đang đóng sập lại. Nhưng điều đó có đúng không?

Tại sao một cú trượt ở tuổi 15 lại bị thổi phồng như một bi kịch? (Ảnh minh họa)
Gi á tr ị c ủa l òng bao dung
Khi một cú trượt tuổi 15 bị nhìn như dấu chấm hết, có lẽ điều chúng ta cần không phải là tranh cãi đúng sai mà là thêm một chút bao dung trong cách nhìn nhận. Bởi mỗi đứa trẻ đều có nhịp lớn lên riêng và điểm số dù cao hay thấp cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong hành trình dài rộng ấy.
Bao dung, trong câu chuyện này, không phải là sự nuông chiều hay buông lơi kỷ luật. Đó là một trí tuệ cảm xúc trưởng thành, được hình thành từ chính những va vấp mà người lớn đã từng nếm trải. Đó là khi ta đủ từng trải để hiểu rằng có những lúc con người ta không cần một lời phán xét mà chỉ cần một ai đó ở lại bên mình một cách hiện diện thực thụ. Bao dung chính là khi ta không cần hỏi "Con thi được bao nhiêu điểm" mà lặng lẽ ngồi cạnh con, để con biết mình không phải đối mặt với nỗi thất vọng một mình.
Bao dung cũng không phải vì ai đó làm đúng mà vì ai cũng xứng đáng có thêm một cơ hội. Nhất là khi ta từng biết cảm giác chới với là như thế nào. Bao dung là bản lĩnh của người đã đi qua những ngày tăm tối nhất và vì thế, họ biết cách thắp sáng lại lòng tin cho kẻ đang chới với trong bóng tối.
Bao dung không làm giảm đi kỷ luật, ngược lại, nó dạy trẻ rằng một con người không được xác định bằng một lần vấp mà bằng cách họ đứng lên.
Trong câu chuyện của một đứa trẻ 15 tuổi không đạt kết quả như kỳ vọng, bao dung không chỉ là lòng thương xót hay sự nhân từ ngẫu hứng. Đó là sự tử tế có kỷ luật, có trí tuệ và có giới hạn rõ ràng. Đó là thái độ văn minh của một xã hội biết nuôi dưỡng con người khi người lớn biết dừng lại để đồng hành thay vì vội vã kết án.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà chỉ một lần không đạt kỳ vọng, một đứa trẻ rất dễ bị đánh giá là không có tương lai (Ảnh minh họa)
Kh ông c ó đ ứa tr ẻ 15 n ào l à th ất b ại!
Kỳ vọng là một hình thức của tình yêu nhưng đôi khi, nó lại nặng hơn những gì một đứa trẻ có thể mang. Trong khi người lớn càng ngày càng tự nhiên hơn với chuyện con đỗ - con trượt và cố gắng tránh trách mắng thì bản thân các em vẫn âm thầm gánh trên vai cảm giác "mình kém cỏi" chỉ vì không nằm trong số đông được tung hô.
Khi tiếng vỗ tay chỉ dành cho người về đích, chúng ta dễ quên mất rằng vẫn còn những bước chân đang kiên trì đi tiếp. Những đứa trẻ không đỗ công lập, các em không kém cỏi. Các em chỉ đơn giản là không trùng khớp với một kịch bản thành công đã được xã hội định sẵn.
Một đứa trẻ 15 tuổi có kết quả thi không như kỳ vọng không đáng bị bất kì ai chì chiết, dè bỉu hay so sánh. Chúng cần được ôm vào lòng, được lắng nghe nỗi thất vọng của chính mình với lời nhắc nhở đầy nhẹ nhàng rằng: "Con người có quyền vấp ngã. Và con đang học điều đó, dũng cảm hơn bao giờ hết".
Những đứa trẻ ấy cần sự hướng dẫn, chở che, cần được lắng nghe và cảm thông. Khi người lớn nhìn thấy con rơi nước mắt và nói: "Không sao đâu, con đã cố gắng rồi" , đó là lúc đứa trẻ học được bài học về lòng nhân ái không chỉ từ người khác mà cả với chính mình.

Những đứa trẻ chẳng may trượt chân trong kỳ thi vào 10, chúng không có lỗi!
Nếu người lớn tiếp cận bước lùi tạm thời của con như một cơ hội để giúp con thấu hiểu bản thân, nhìn lại hành trình học tập và chuẩn bị cho hướng đi phù hợp hơn thay vì coi đó là điều phải che giấu thì chính lúc đó, sự giáo dục mới thực sự có ý nghĩa.
Một kỳ thi không phải là định mệnh. Một lần sơ sảy không phải là dấu chấm hết. Và một đứa trẻ 15 tuổi với tất cả những mơ hồ, yếu đuối và mong manh xứng đáng nhận được nhiều sự yêu thương và khoan dung hơn cả.
Khoan dung không làm con yếu đuối. Ngược lại, nó là món quà lớn nhất mà một đứa trẻ có thể nhận được để tiếp tục tin vào bản thân, tin vào hành trình phía trước.
Không có đứa trẻ 15 tuổi nào là thất bại. Các em chỉ đang loay hoay tìm chỗ đứng đầu tiên cho mình giữa một thế giới rộng lớn, nơi mọi thứ dường như chuyển động quá nhanh và kỳ vọng thì luôn cao hơn khả năng các em có thể gọi tên. Cái gọi là "thất bại" hôm nay nếu có cũng chỉ là một lát cắt rất nhỏ trong hành trình dài nhiều năm phía trước. Một bước chậm, một lần trượt ngã không thể định nghĩa giá trị hay tương lai của một con người đang lớn.
Không phải ai ra khơi để câu cá kiếm cũng trở về với một thùng đầy cá kiếm
Tôi thích tiểu thuyết Ông Già và Biển Cả của Hemingway không chỉ vì văn phong tối giản mà bởi cái cách ông kể về thất bại như thể đó là một thứ huy chương thầm lặng.
Đó không chỉ là một câu chuyện về con cá kiếm khổng lồ mà là bản anh hùng ca đầy đơn độc của con người trước số phận. Sau khi nghiền ngẫm ít nhất 3 lần hành trình hải hồ của lão Santiago, tôi nhận ra một điều tưởng chừng đơn giản nhưng đầy day dứt.
Không phải ai ra khơi để câu cá kiếm cũng trở về với một thùng đầy cá kiếm. Có những hành trình được bắt đầu bằng tất cả niềm tin, nỗ lực và hy vọng nhưng kết cục lại là con thuyền trống rỗng hoặc chỉ mang về bộ xương trơ trọi của giấc mơ đã rã mục giữa biển khơi. Nhưng điều đó không khiến cuộc ra khơi ấy trở nên vô nghĩa.
Không phải ai trong chúng ta cũng sẽ thành công tuyệt đối với những lựa chọn trong đời. Có những quyết định được đưa ra bằng cả sự chân thành và can đảm nhưng đổi lại chỉ là những tổn thương khó gọi tên. Có những hành trình được dẫn dắt bởi lý tưởng đẹp đẽ, ta đi bằng tất cả niềm tin và nỗ lực nhưng kết cục vẫn là sự trống rỗng đến nao lòng.

Không phải ai ra khơi để câu cá kiếm cũng trở về với một thùng đầy cá kiếm (Ảnh minh họa)
Nhưng bạn hãy nhớ, giá trị của một con người không nằm ở việc họ mang về được bao nhiêu "cá kiếm", mà ở chỗ họ dám ra khơi, dám dấn thân, dám tin vào điều mình đang theo đuổi dù biển cả có dữ dội đến đâu.
"Con người sinh ra không phải để thất bại. Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị khuất phục". (Trích Ông Già Và Biển Cả - bản dịch Lê Huy Bắc)
Câu nói ấy không chỉ dành cho đứa trẻ 15 tuổi, mà còn dành cho cả những người cha, người mẹ đang học cách chấp nhận một kết quả chưa trọn vẹn, để cùng con tiếp tục hành trình phía trước.
Bởi suy cho cùng, không có đứa trẻ 15 tuổi nào là thất bại cả. Có thể kết quả không như mong đợi nhưng đó không phải là hồi kết, càng không phải là dấu chấm hết cho năng lực hay giá trị của một đứa trẻ.
Cha mẹ hãy cho con cảm nhận được rằng vấp ngã đầu đời không làm con nhỏ bé đi, mà là cơ hội để con học cách đứng dậy, nhìn lại chính mình và tiếp tục lớn lên. Khi cha mẹ đủ bao dung, đủ vững vàng để chấp nhận một kết quả không trọn vẹn thì con cũng sẽ học được cách yêu lấy bản thân mình.
Bởi ai biết cách đứng dậy sau cú ngã đầu tiên mới là người mạnh mẽ thật sự.