Theo hồ sơ vụ việc, từ ngày 2/4/2014, Ngân hàng Lang Phường – Chi nhánh Đường Vĩnh Hưng, quận Quảng Dương, TP. Lang Phường, Hà Bắc, Trung Quốc, đã nhiều lần vay tiền của bà Vương Bình với lý do cần nguồn vốn luân chuyển ngắn hạn để phục vụ hoạt động cho vay của ngân hàng. Các hợp đồng vay tiền đều có chữ ký của Giám đốc chi nhánh khi đó là Dương Na, đồng thời được đóng dấu pháp nhân chính thức của ngân hàng.
Tuy nhiên, theo chỉ định của Giám đốc Dương Na, số tiền trên được chuyển vào tài khoản bên thứ ba. Ngân hàng sau đó phủ nhận trách nhiệm hoàn trả, viện dẫn lý do là “tiền không chuyển vào tài khoản chính thức của ngân hàng” nên không phải trả.
Tính đến năm 2023, thời điểm bà Vương khởi kiện, phía ngân hàng vẫn còn nợ người phụ nữ này hơn 112,5 triệu NDT ( hơn 410 tỷ đồng), bao gồm cả tiền gốc và lãi vay. Mặc dù bà Vương đã nhiều lần yêu cầu thanh toán, ngân hàng liên tục trì hoãn và từ chối thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Vụ việc trải qua nhiều lần xét xử. Tháng 1/2024, Toà án Nhân dân quận Quảng Dương từng tuyên bố bà Vương Bình thắng kiện và ngân hàng phải hoàn trả khoản vay do lỗi trong quản lý nội bộ. Tuy nhiên, ngân hàng không đồng tình với phán quyết của toà án nên đã kháng cáo. Tháng 4/2024, Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Lang Phường tuyên hủy bản án sơ thẩm và yêu cầu xét xử lại vụ án.

Ngân hàng Lang Phường. (Ảnh: 163.com)
Đến tháng 6/2025, vụ án được đưa ra xét xử lại tại Tòa án quận Quảng Dương. Tòa xác định vụ việc có dấu hiệu hình sự và chính thức bác đơn kiện của bà Vương Bình. Đáng chú ý, Ngân hàng Lang Phường thừa nhận đã phát hiện sai phạm của bà Dương Na và đã sa thải người này từ tháng 7/2017 song không thông báo cho bà Vương.
Ngày 10/7/2025, Tòa án quận Quảng Dương đã ra phán quyết bác đơn kiện của bà Vương Bình. Tòa cho rằng vụ việc không còn là tranh chấp kinh tế đơn thuần mà có dấu hiệu của tội phạm kinh tế.
Trong vụ việc này, giới chuyên gia pháp lý Trung Quốc cho rằng trọng tâm tranh chấp nằm ở trách nhiệm của ngân hàng đối với hành vi của Giám đốc Dương Na. Theo Điều 11 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, pháp nhân phải chịu trách nhiệm về hành vi của người lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Dù khoản tiền không vào tài khoản ngân hàng, nhưng các hợp đồng được ký kết đều cho thấy các khoản vay đều được thực hiện dưới danh nghĩa ngân hàng, có dấu và chữ ký của người đứng đầu chi nhánh.
Bản án sơ thẩm từng xác định ngân hàng có sai phạm trong quản lý, song tòa phúc thẩm viện dẫn quy định của Toà án nhân dân Tối cao Trung Quốc, cho rằng vụ việc có thể cấu thành tội phạm kinh tế. Hiện hồ sơ vụ việc đã được toà án địa phương chuyển sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra hình sự.

Ảnh minh hoạ: internet
Dù đơn kiện bị bác, giới chuyên gia pháp lý Trung Quốc cho rằng bà Vương Bình vẫn còn cơ hội khởi kiện lại nếu xuất trình được bằng chứng mới chứng minh mối quan hệ vay nợ là xác thực – theo quy định của Luật Tố tụng Dân sự Trung Quốc. Ngoài ra, do vụ việc đã được chuyển cho cơ quan điều tra, bà cũng có thể bảo vệ quyền lợi thông qua tố tụng dân sự liên quan đến vụ án hình sự.
Qua vụ việc này, giới chuyên gia pháp lý Trung Quốc khuyến nghị các cá nhân tham gia giao dịch tài chính nên lưu giữ đầy đủ chứng từ chuyển khoản, hồ sơ liên lạc để tránh rơi vào trường hợp trên. Đặc biệt, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường cần báo cáo cho cơ quan chức năng Trung Quốc để kịp thời xử lý.
(Theo 163.com)