Conic Boulevard

Loại hạt được đại danh y ví "tốt hơn thịt", giúp giảm mỡ máu, ngừa đột quỵ: Việt Nam có nhiều

Đây là loại hạt quen thuộc với người Việt, được đại danh y Hoa Đà thêm vào bí quyết dưỡng sinh. Loại hạt này chứa nhiều dưỡng chất, có thể giúp giảm mỡ máu, ngừa đột quỵ.

Hoa Đà là một trong những đại danh y kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc, khai sáng nền y học cổ truyền. Không chỉ lưu danh trong sử sách Trung Hoa, tên tuổi của "thần y" Hoa Đà còn được biết đến rộng rãi tại Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc..

Trong những lời dạy về dưỡng sinh mà danh y Hoa Đà để lại, có một bí quyết rất đặc biệt, đó là ăn đậu tương. Ông từng viết: “Thà không ăn thịt, chứ không thể thiếu đậu”.

Điều này cho thấy Hoa Đà đánh giá việc ăn đậu tương còn tốt hơn cả ăn thịt.

Loại hạt được đại danh y ví "tốt hơn thịt", giúp giảm mỡ máu, ngừa đột quỵ: Việt Nam có nhiều- Ảnh 1.

Đậu lên men giúp cho người Nhật phòng ngừa mỡ máu, đột quỵ.

Đậu tương là loại hạt quen thuộc, có nhiều ở Việt Nam. Đậu tương chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu và có thể đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Đậu tương giàu đạm thực vật, cần thiết cho cơ thể

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ thực phẩm, đậu tương là thực phẩm giàu đạm thực vật. Đây là nguồn đạm cần thiết, nên được bổ sung song song với đạm động vật để xây dựng và duy trì cơ thể khỏe mạnh.

Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người trưởng thành từ 19 tuổi trở lên nên duy trì lượng đạm động vật ở mức 30–35% tổng số đạm nạp vào cơ thể hàng ngày, còn lại là đạm thực vật. Khi tuổi tác tăng lên, lượng đạm động vật càng nên giảm xuống, với tỷ lệ lý tưởng là 1/3 đạm động vật và 2/3 đạm thực vật.

Ngược lại, trẻ nhỏ đang trong giai đoạn tăng trưởng cần ăn đạm động vật nhiều hơn, mỗi bữa ăn cần đảm bảo tỷ lệ 2/3 đạm động vật và 1/3 đạm thực vật.

Đậu tương giúp giảm mỡ máu, ngừa đột quỵ

Lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, đậu tương – còn gọi là đậu nành, hoàng đậu miêu – có tên khoa học là Glycine max (L) Merr.

Từ thời cổ đại, đậu tương đã được sử dụng phổ biến làm thực phẩm ở nhiều nước châu Á.

Trong 100g đậu tương có chứa: 173 kcal năng lượng, 63% nước, 16,6g protein, 9,9g carbohydrate, 9g chất béo cùng nhiều vitamin và khoáng chất khác.

Đậu tương chứa lượng lớn chất xơ, rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt tốt cho hệ tim mạch, hệ tiêu hóa và giúp chống lão hóa.

Theo lương y Sáng, người Nhật Bản cũng xem đậu tương như một “bí quyết sống khỏe". Ví dụ, món đậu tương lên men (Natto) được coi là thực phẩm giúp người Nhật phòng ngừa đột quỵ và các bệnh tim mạch hiệu quả.

Trong y học cổ truyền, đậu tương có vị ngọt nhạt, tính bình, tác dụng kiện tỳ vị, bổ dưỡng cơ thể, đặc biệt tốt cho người mới ốm dậy, người thiếu khoáng chất, người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa hay thấp khớp. Ăn đậu tương thường xuyên còn giúp hạ mỡ máu, phòng ngừa xơ vữa động mạch.

Loại hạt được đại danh y ví "tốt hơn thịt", giúp giảm mỡ máu, ngừa đột quỵ: Việt Nam có nhiều- Ảnh 2.

Món đậu tương hầm với rau.

Một số bài thuốc từ đậu tương

- Chữa viêm họng, ho khan, tiểu tiện khó khăn: Sắc mầm đậu tương với một ít trần bì (vỏ quýt lâu năm), dùng để ngậm và uống.

- Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, béo phì thể thấp trệ, mỡ máu cao, suy nhược cơ thể: Dùng 250g hạt đậu tương, 200g đậu phụ, 10g nấm hương và gia vị vừa đủ. Đậu tương ngâm mềm, ninh nhừ; nấm hương ngâm nở; đậu phụ thái miếng. Cho tất cả vào nấu chín. Ăn liền trong 10 ngày (tính là 1 liệu trình). Nghỉ vài ngày, sau đó tiếp tục ăn thêm 1 liệu trình mới. Nên ăn liên tục 3 liệu trình.

Hoặc dùng 200g đậu phụ, 250g mầm đậu tương, và 20g mộc nhĩ. Nấu canh hoặc xào ăn trong ngày. Ăn liên tục 10–15 ngày để hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.

- Chữa da khô, nếp nhăn, đồi mồi: Đậu tương 500g rang vàng, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 3g, trộn với một ít rượu trắng, uống 3 lần mỗi ngày, liên tục trong 3 tháng.