Conic Boulevard

Loạt dự án hạ tầng giao thông tỷ USD ồ ạt triển khai, Đà Lạt bước vào giai đoạn phát triển mới

Nhờ hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc, Đà Lạt không còn chỉ là một điểm đến du lịch truyền thống mà đang chuyển mình thành một trung tâm kinh tế - văn hóa - nghỉ dưỡng đa năng. Sự kết nối thuận tiện với các đô thị lớn như TP.HCM, Nha Trang và Đà Nẵng đang mở ra cơ hội để Đà Lạt thu hút không chỉ du khách mà còn các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngày 31/3, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái đã ký Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (giai đoạn 1). Đây là bước rất quan trọng trong việc triển khai xây dựng 2 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, nhằm kết nối thành phố Đà Lạt với TP Hồ Chí Minh hoàn toàn bằng cao tốc đường bộ, đang triển khai hoàn thiện hồ sơ từ nhiều năm qua.

Được biết, hai tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương có tổng chiều dài gần 140 km với số vốn đầu tư khoảng 37.000 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD) những dự án trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (giai đoạn 1). Đây là công trình giao thông đường bộ cấp I thuộc dự án nhóm A có tổng chiều dài khoảng 73,62 km.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc cũng sẽ được hoàn thiện phê duyệt dự án trước 30/4, tiến tới khởi công cả 2 cao tốc trước quý III năm nay. Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66km, nền đường 17m, 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h, tổng mức đầu tư 17.200 tỉ đồng.

Còn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73km, nền đường 17m, 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư hơn 19.520 tỉ đồng. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Đà Lạt xuống còn khoảng 3-4 giờ, thay vì 6-7 giờ như hiện nay, đồng thời đưa Đà Lạt - Lâm Đồng gần hơn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó, kỳ vọng tạo đột phá trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Đà Lạt.

Cùng với tuyến cao tốc kết nối Đà Lạt với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt cũng đang được mong đợi. Theo quy hoạch, tổng chiều dài tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt khoảng 81km với tổng mức đầu tư khoảng 25.058 tỷ đồng; quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h.

Sau khi hoàn thành vào năm 2028, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Nha Trang - Đà Lạt còn khoảng 1,5 - 2 giờ, so với khoảng 3,5 - 4 giờ như hiện tại, tạo động lực lớn thu hút du khách tham gia các tour du lịch kết nối biển với rừng, thúc đẩy phát triển du lịch toàn vùng.

Cùng với cao tốc, Đà Lạt cũng đang chuẩn bị nâng cấp sân bay Liên Khương - cửa ngõ hàng không của Đà Lạt với tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.748 tỷ đồng, trong đó khoảng 4.591 tỷ đồng đến năm 2030 và khoảng 3.157 tỷ đồng đến năm 2050.

Với kế hoạch mở rộng đường băng và xây dựng nhà ga mới, sân bay này sẽ sớm đủ khả năng đón các chuyến bay quốc tế từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và xa hơn nữa. Hiện tại, Liên Khương đã tăng tần suất các chuyến bay nội địa từ TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, giảm áp lực cho đường bộ và đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng cao.

Loạt dự án hạ tầng giao thông tỷ USD ồ ạt triển khai, Đà Lạt bước vào giai đoạn phát triển mới- Ảnh 1.

Nhờ hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc, Đà Lạt không còn chỉ là một điểm đến du lịch truyền thống mà đang chuyển mình thành một trung tâm kinh tế - văn hóa - nghỉ dưỡng đa năng.

Không dừng lại ở giao thông kết nối khu vực, hệ thống giao thông nội đô Đà Lạt cũng đang được cải thiện đáng kể. Các tuyến đường vòng quanh hồ Xuân Hương, khu vực Trại Mát và Tà Nung được quy hoạch lại, kết hợp với việc quy hoạch xây dựng các bãi đỗ xe thông minh, xe điện trung chuyển nội thành góp phần giảm tải áp lực giao thông trong mùa cao điểm du lịch.

Năm 2025 thành phố tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông trọng điểm, trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông khu vực nội thị, tạo không gian thông thoáng cho thành phố. Những nỗ lực này không chỉ nâng cao chất lượng sống cho người dân địa phương mà còn tạo ấn tượng tốt với các nhà đầu tư về một Đà Lạt hiện đại, năng động.

Nhờ hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc, Đà Lạt không còn chỉ là một điểm đến du lịch truyền thống mà đang chuyển mình thành một trung tâm kinh tế - văn hóa - nghỉ dưỡng đa năng. Sự kết nối thuận tiện với các đô thị lớn như TP.HCM, Nha Trang và Đà Nẵng đang mở ra cơ hội để Đà Lạt thu hút không chỉ du khách mà còn các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thành phố này đang dần trở thành tâm điểm để hòa nhập vào mạng lưới phát triển kinh tế khu vực phía Nam.

Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, cuối năm 2024, Lâm Đồng đã đón du khách thứ 10 triệu, mang về doanh thu ước đạt 18 nghìn tỷ đồng. Điều này vượt mức tưởng tượng của ngành du lịch bởi trước khi xảy ra đại dịch, du lịch Lâm Đồng trung bình đón 7 triệu lượt khách/năm.

Cùng với tăng tốc du lịch, giai đoạn phát triển mới của Đà Lạt được đánh dấu bởi sự gia tăng nhanh chóng của các dự án đô thị hóa và bất động sản (BĐS) quy mô lớn. Nếu trước đây, Đà Lạt chủ yếu phát triển dựa vào cảnh quan tự nhiên và nông nghiệp (hoa, cà phê, rau củ), thì nay, thành phố đang chứng kiến sự bùng nổ của các ngành dịch vụ cao cấp, thương mại và công nghệ sinh thái.

Đà Lạt cũng đang đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ chưa từng có. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Singapore… đã không ngần ngại rót hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án tầm cỡ. Từ resort 5 sao thương hiệu quốc tế trước mặt hồ Xuân Hương đến khu nghỉ dưỡng trên các triền đồi xanh mướt, Đà Lạt đang trở thành "miền đất hứa" cho những ai tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Với những nền tảng vững chắc từ hạ tầng và sự tham gia của các nhà đầu tư lớn, Đà Lạt đang đứng trước ngưỡng cửa của một cú "cất cánh" ngoạn mục. Thành phố này không chỉ củng cố vị thế là "thủ phủ nghỉ dưỡng" của Việt Nam mà còn có tham vọng vươn tầm quốc tế. Sự gia tăng của các dự án BĐS cao cấp, cùng với lượng khách du lịch nội địa và quốc tế ngày càng đông, đang tạo ra một vòng tuần hoàn kinh tế tích cực: đầu tư thúc đẩy du lịch, du lịch lại kéo theo đầu tư phát triển hơn nữa.