Miễn viện phí toàn dân: Bài học từ 4 quốc gia Đông Nam Á

Nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đã thực hiện chính sách miễn viện phí toàn dân theo các mô hình khác nhau.

Ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, việc bước vào bệnh viện mà không phải lo lắng về chi phí khám chữa bệnh đã trở thành thực tế quen thuộc. Khi người dân được chăm sóc sức khỏe mà không bị áp lực tài chính đè nặng, hệ thống y tế không chỉ chữa bệnh mà còn góp phần thu hẹp bất bình đẳng xã hội và nâng cao chất lượng sống toàn dân. Mỗi nước chọn một lộ mô hình lộ trình riêng cho mục tiêu miễn viện phí toàn dân. Vậy, Việt Nam có thể học được gì từ những kinh nghiệm gần gũi trong khu vực?

Chính sách miễn viện phí toàn dân của 4 quốc gia Đông Nam Á

1. Thái Lan

Miễn viện phí toàn dân: Bài học từ 4 quốc gia Đông Nam Á- Ảnh 1.

Bệnh nhân đang chờ khám trong một bệnh viện ở Thái Lan (Ảnh: Văn phòng An ninh Y tế Quốc gia Thái Lan).

Thái Lan được biết đến là một trong những quốc gia đi đầu Đông Nam Á trong việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, nổi bật với mô hình mang tên “Chương trình 30 baht” (Universal Coverage Scheme - UCS). Khởi động từ năm 2002, chương trình này chủ yếu được tài trợ bằng ngân sách nhà nước và nhằm mục tiêu đảm bảo mọi công dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế với chi phí thấp nhất.

Ban đầu, người dân chỉ phải trả 30 baht (tương đương khoảng 24.000 đồng) cho mỗi lần khám chữa bệnh, ngoại trừ những đối tượng được miễn phí hoàn toàn như trẻ em dưới 12 tuổi, người cao tuổi và người thuộc diện nghèo. Đến năm 2006, mức phí tượng trưng này được bãi bỏ hoàn toàn, giúp người dân sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế công mà không phải chi trả thêm bất kỳ khoản nào.

Chính sách bao phủ từ chăm sóc ban đầu tại các trạm y tế, bác sĩ gia đình, cho đến điều trị nội trú, ngoại trú tại bệnh viện công, thuốc thiết yếu, vắc xin, khám sàng lọc ung thư và các dịch vụ cho mẹ và trẻ nhỏ. Đặc biệt, nhà nước còn chi trả cho nhiều phương pháp điều trị chuyên sâu như lọc máu, hóa trị và điều trị HIV/AIDS.

Nguồn tài chính cho hệ thống được đảm bảo bởi thuế nhà nước (chiếm khoảng 80%) và một phần từ bảo hiểm xã hội. 

2. Malaysia

Miễn viện phí toàn dân: Bài học từ 4 quốc gia Đông Nam Á- Ảnh 2.

Khoa cấp cứu của Bệnh viện Raja Permaisuri Bainun (Malaysia) (Ảnh: CodeBlue).

Malaysia là một trong những quốc gia theo đuổi chính sách y tế công chi phí thấp, nhằm đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách dễ dàng và bền vững. Dù hệ thống này không miễn phí hoàn toàn, nhưng chi phí mà người dân phải trả là rất thấp, chỉ vài ringgit cho mỗi lần khám, tương đương một phần rất nhỏ so với chi phí thực tế.

Điểm đáng chú ý là Malaysia cho phép người dân lựa chọn khám chữa bệnh theo từng gói dịch vụ trọn gói, thay vì thanh toán riêng từng hạng mục, giúp giảm thiểu gánh nặng tài chính và tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, chính phủ đóng vai trò chủ lực trong việc tài trợ hệ thống y tế công, từ cơ sở vật chất đến nhân lực, với mục tiêu ngăn chặn nguy cơ tài chính trở thành rào cản khiến người dân ngại đến bệnh viện.

3. Indonesia

Miễn viện phí toàn dân: Bài học từ 4 quốc gia Đông Nam Á- Ảnh 3.

Thẻ bảo hiểm y tế của người dân Indonesia (Ảnh: Shutterstock).

Indonesia là một trong những quốc gia đi đầu khu vực về mở rộng bảo hiểm y tế toàn dân thông qua chương trình Jaminan Kesehatan Nasional (JKN). Chương trình này được triển khai từ năm 2014 và do cơ quan BPJS Kesehatan quản lý. Tính đến năm 2024, gần như toàn bộ người dân Indonesia đã được tham gia chương trình này.

Người dân khi tham gia JKN có thể khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập và một số bệnh viện tư nhân được liên kết với BPJS, bao gồm cả các trung tâm y tế cộng đồng, bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và trung ương. Danh mục quyền lợi khá toàn diện, từ khám ngoại trú, nội trú, cấp cứu, phẫu thuật, chăm sóc sản phụ, đến thuốc và xét nghiệm.

Mức đóng bảo hiểm được thiết kế theo nguyên tắc phân loại thu nhập: người thu nhập cao tự đóng, nhóm thu nhập thấp và người nghèo được nhà nước hỗ trợ hoàn toàn.

Một trong những tác động rõ rệt nhất của JKN là giảm chi tiêu y tế trực tiếp từ túi tiền người dân. Nếu trước đây gần 50% chi phí khám chữa bệnh do người dân tự thanh toán thì nay con số này đã giảm xuống còn khoảng 27,5%. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ gia đình rơi vào khó khăn tài chính vì bệnh tật đã giảm mạnh. Điều này cho thấy chương trình không chỉ mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ mà còn góp phần bảo vệ an sinh kinh tế cho người dân.

4. Philippines 

Miễn viện phí toàn dân: Bài học từ 4 quốc gia Đông Nam Á- Ảnh 4.

Các nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Manila (Philippines) làm việc cả cuối tuần (Ảnh: Mark Demayo, ABS-CBN News/File).

Philippines là một trong những quốc gia Đông Nam Á có bước tiến nổi bật trong việc xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân. Cột mốc quan trọng diễn ra vào năm 2019, khi chính phủ chính thức thông qua Luật Chăm sóc Sức khỏe Toàn dân (Universal Health Care Act), mở đường cho việc đảm bảo mọi công dân, bất kể thu nhập hay nơi sinh sống, đều có quyền tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu.

Theo luật này, toàn bộ người dân Philippines được tự động đưa vào hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia PhilHealth mà không cần làm bất kỳ thủ tục đăng ký nào. Với những người không đủ khả năng tài chính, nhà nước sẽ đứng ra chi trả toàn bộ phần đóng góp.

Một trong những thay đổi đáng chú ý là chi phí điều trị nội trú tại các bệnh viện công, cụ thể là ở giường bệnh cơ bản (loại ward), được miễn hoàn toàn. Trong khi đó, với các dịch vụ vượt quá phạm vi cơ bản, người bệnh chỉ cần trả một khoản đồng chi trả cố định đã được quy định từ trước, tránh phát sinh chi phí bất ngờ.

Song song với đó, Philippines còn triển khai hệ thống BUCAS (Bagong Urgent Care and Ambulatory Services) - chuỗi cơ sở y tế chuyên tiếp nhận các ca cấp cứu nhẹ và điều trị ngoại trú cho người thu nhập thấp. 

Trong bối cảnh là quốc gia có thu nhập trung bình, Philippines lựa chọn nguồn thu từ thuế sức khỏe để làm nền tảng tài chính cho hệ thống y tế toàn dân. Nguồn thu này đến từ thuế đánh lên thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường, vừa giúp tăng ngân sách, vừa mang lại lợi ích sức khỏe cộng đồng thông qua điều tiết hành vi tiêu dùng.

Lam Chi (Tổng hợp)