Trong những ngày hè oi ả, tắm rửa là cách đơn giản nhất giúp con người giải nhiệt, làm sạch cơ thể và mang lại cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên, tắm như thế nào cho đúng, bao nhiêu lần trong ngày là đủ, thời điểm nào nên và không nên tắm - đó lại là những câu hỏi mà không phải ai cũng nắm rõ. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, tắm không chỉ là thói quen vệ sinh đơn thuần mà còn liên quan mật thiết tới sức khỏe toàn thân nếu thực hiện không đúng cách.
Thời tiết nóng bức nên tắm bao nhiêu lần 1 ngày?
Trước hết, không có câu trả lời chung về tần suất tắm cho tất cả mọi người mà cần điều chỉnh tùy thể trạng và nhu cầu. Với người bình thường, tắm 1 lần/ngày là đủ. Những ai làm việc trong môi trường nóng nực, vận động nhiều có thể tăng lên 2 lần/ngày, nhưng không nên tắm quá nhiều lần vì dễ làm mất lớp bảo vệ tự nhiên của da.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, người già, trẻ em và những người có làn da nhạy cảm cần tắm ít thường xuyên hơn tùy theo tình trạng của họ. Người cao tuổi hay người có làn da khô, ít đổ mồ hôi nên tắm cách ngày hoặc có thể dùng khăn ẩm lau người để giữ vệ sinh mà không làm khô da.
Ví dụ, người cao tuổi được khuyên nên tắm hai ngày một lần vì da mỏng hơn và tuyến bã nhờn tiết ra ít hơn. Nếu thời tiết nóng và đổ mồ hôi nhiều, họ có thể tăng thời gian tắm lên 1 lần/ngày, nhưng cần chú ý đến nhiệt độ của nước tắm và thời gian.

Để giữ an toàn khi tắm vào mùa hè, mọi người, đặc biệt là người cao tuổi cần chú ý những điều này:
1. Kiểm soát nhiệt độ nước để tránh quá nhiệt hoặc quá lạnh
Không chỉ số lần tắm, nhiệt độ nước cũng rất quan trọng. Tắm nước lạnh (10℃-20℃) giúp thúc đẩy trao đổi chất, phòng ngừa xơ cứng động mạch, tăng cường chức năng hô hấp, tiêu hóa và ngăn ngừa một số bệnh lý như viêm đường hô hấp, thấp khớp. Tuy nhiên, tắm nước lạnh không phù hợp với người mắc cao huyết áp nặng, bệnh tim mạch, viêm gan cấp, lao phổi, bệnh thấp khớp đang hoạt động hoặc những ai dễ bị mề đay do lạnh.
Tắm nước nóng (38℃-40℃) giúp giãn mạch máu, cải thiện tuần hoàn, giảm co thắt cơ và có tác dụng thư giãn, hỗ trợ giấc ngủ ngon hơn nếu tắm trước khi đi ngủ. Nước nóng cũng giúp làm sạch sâu, thông thoáng lỗ chân lông, tăng cường sức đề kháng cho da.
Tắm nước ấm (khoảng 34℃) ít gây kích ứng, thích hợp với hầu hết mọi người. Vào mùa hè, nên ưu tiên tắm nước ấm để tránh nguy cơ đột quỵ do thiếu oxy ở người có bệnh tim mạch khi tắm nước nóng, đồng thời hạn chế tình trạng mệt mỏi, đau nhức sau tắm do tắm nước lạnh khiến mạch máu co đột ngột.
2. Thời điểm tắm
Thời gian tắm nên dựa vào thói quen và sức khỏe mỗi người. Buổi sáng tắm giúp chúng ta tỉnh táo, da dễ hấp thụ dưỡng chất, tóc bồng bềnh hơn. Tắm buổi trưa cũng là lựa chọn không tệ nếu bạn sắp xếp được thời gian. Tuy nhiên, có một số thời điểm trong ngày mà bạn cần lưu ý hạn chế việc tắm rửa, đặc biệt là với người cao tuổi hay sức khỏe yếu. Rất nhiều người có thói quen tắm ngay sau bữa ăn mà không biết rằng điều này dễ làm giảm lượng máu đến hệ tiêu hóa, gây khó tiêu, mệt mỏi, thậm chí choáng váng.
Ngoài ra, bạn cần chú ý nếu tắm nước lạnh ngay sau khi vận động mạnh càng nguy hiểm hơn khi cơ thể chưa kịp thích ứng, các lỗ chân lông giãn rộng đột ngột co lại, máu lưu thông bị ảnh hưởng, dễ dẫn đến tai biến tim mạch. Tắm nước nóng trước khi ngủ tuy mang lại cảm giác thư thái, nhưng nếu nhiệt độ nước quá cao có thể kích thích thần kinh, khiến giấc ngủ kém sâu.
Theo chuyên gia, thời điểm tắm gội tốt nhất cho sức khỏe cơ thể là vào buổi sáng sau khi tập thể dục nhưng nên nghỉ cho khô mồ hôi trước rồi hãy tắm. Buổi tối nên tắm trước 20h để đảm bảo an toàn cho cơ thể và không nên tắm quá 15 - 20 phút mỗi lần.

3. Cách tắm đúng
Các chuyên gia khuyến cáo nên tắm theo trình tự từ trên xuống dưới, bắt đầu từ mặt, rồi đến đầu, thân mình và cuối cùng là chân. Cách này giúp cơ thể thích ứng dần với nhiệt độ nước, tránh sốc nhiệt và hạn chế dao động huyết áp. Đặc biệt, không nên dội nước lạnh ngay lên đầu hay chân khi vừa bắt đầu tắm, vì dễ kích thích mạch máu, tăng nguy cơ tai biến, nhất là với người cao tuổi hay bệnh nhân cao huyết áp.
Sau khi tắm xong, cần lau khô người, nhất là những vùng dễ đọng nước như kẽ ngón chân, nách… để ngăn ngừa các bệnh da liễu do ẩm ướt. Đồng thời, nên tránh ngồi ngay trước quạt hay máy lạnh khi cơ thể còn ướt để không bị cảm lạnh hoặc đau nhức xương khớp.
Đặc biệt, không nên dùng khăn tắm thô ráp hoặc kỳ cọ mạnh vì lớp sừng và màng lipid trên da là hàng rào bảo vệ tự nhiên, giúp giữ ẩm và chống vi khuẩn, virus xâm nhập. Việc kỳ cọ mạnh làm mất đi lớp bảo vệ này, khiến da khô, dễ lão hóa, tăng nguy cơ nhiễm trùng da như mụn nhọt, viêm nang lông, hạt cơm truyền nhiễm. Người cao tuổi có làn da khô, nếu kỳ cọ quá nhiều sẽ dễ gây tổn thương làn da.