Conic Boulevard

Mua nhà nhưng để không suốt 4 năm, vừa chuyển tới ở phát hiện hóa đơn điện 90 triệu đồng, tòa phán: "Công ty điện lực phải chịu trách nhiệm"

Mua nhà nhưng chưa về ở suốt nhiều năm, người đàn ông bất ngờ phát hiện một lượng điện tiêu thụ cao bất ngờ. Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

Sự cố bất ngờ với hóa đơn tiền điện khổng lồ

Trong cuộc sống thường ngày, các dịch vụ công cộng như điện, nước và internet,… đều cần được thực hiện một cách minh bạch và trật tự. Tuy nhiên, đôi khi những sự cố bất ngờ lại khiến người dân rơi vào cảnh bất lực và bối rối. Mới đây, một vụ việc hy hữu xảy ra ở Quảng Tây (Trung Quốc) đã khiến dư luận không khỏi xôn xao.

Bác sĩ Lý Hải, công tác tại Quảng Tây, từng mua một ngôi nhà mới để chuẩn bị xây dựng tổ ấm với bạn gái. Sau khi hoàn tất việc cải tạo nội thất, anh thiết lập chế độ thanh toán tự động cho các hóa đơn điện, nước với mức khấu trừ khi tài khoản còn lại 20 NDT (hơn 70 nghìn đồng). Tuy nhiên, sau đó Lý Hải và bạn gái chia tay, ngôi nhà bị bỏ trống, còn anh tiếp tục ở lại ký túc xá bệnh viện.

Mua nhà nhưng để không suốt 4 năm, vừa chuyển tới ở phát hiện hóa đơn điện 90 triệu đồng, tòa phán: "Công ty điện lực phải chịu trách nhiệm"- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Sau 4 năm, khi quyết định chuyển về căn nhà mới, Lý Hải phát hiện một tình huống bất ngờ vào đúng ngày dọn đến. Anh kiểm tra đồng hồ điện và phát hiện chỉ số điện tiêu thụ tăng cao bất thường. Kiểm tra kỹ lại hóa đơn điện tử, anh tá hỏa khi thấy số tiền đã bị trừ lên tới 25.000 NDT (gần 90 triệu đồng).

Lý Hải nhanh chóng liên hệ với cơ quan cung cấp điện địa phương để xác minh sự việc. Đơn vị này đã cử nhân viên đến kiểm tra thực tế và phát hiện lỗi phát sinh từ khâu lắp đặt ban đầu. Cụ thể, đường dây điện của căn nhà hàng xóm, do ông Vương sở hữu, đã bị đấu nhầm vào đồng hồ điện của Lý Hải.

Suốt bốn năm qua, toàn bộ điện năng tiêu thụ của ông Vương đều được tính vào tài khoản của Lý Hải. Trước sự việc này, Lý Hải yêu cầu cơ quan cung cấp điện hoàn trả toàn bộ số tiền chênh lệch. Tuy nhiên, phía công ty điện lực đưa ra phương án chỉ hoàn trả khi ông Vương thanh toán lại khoản tiền này.

Ông Vương khi biết thông tin đã phủ nhận trách nhiệm và từ chối trả khoản tiền trên. Ban đầu, ông cho rằng bản thân vẫn đóng tiền điện đầy đủ. Khi cơ quan chức năng xuất trình bằng chứng, ông lại lập luận rằng lỗi phát sinh từ phía nhân viên điện lực, ông không có nghĩa vụ bồi hoàn.

Vụ việc rơi vào thế bế tắc khi cả hai bên là ông Vương và công ty cung cấp điện đều không đạt được thỏa thuận. Lý Hải nhiều lần thương lượng nhưng không có kết quả. Cuối cùng, vụ việc được đưa ra xét xử tại tòa án.

Phán quyết tại tòa và bài học cảnh tỉnh cho người dân

Mua nhà nhưng để không suốt 4 năm, vừa chuyển tới ở phát hiện hóa đơn điện 90 triệu đồng, tòa phán: "Công ty điện lực phải chịu trách nhiệm"- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Tại tòa, vụ việc được phân tích dựa trên các quy định pháp luật hiện hành. Theo quy định tại Điều 509 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, giữa Lý Hải và Công ty điện lực tồn tại quan hệ hợp đồng dịch vụ điện lực. Trong đó, bên cung cấp điện có nghĩa vụ đảm bảo việc đo đếm và thanh toán chính xác theo hợp đồng đã ký kết.

Tuy nhiên, do sai sót khi lắp đặt đồng hồ điện dẫn đến việc tính nhầm tiền điện, Công ty điện lực rõ ràng đã vi phạm nghĩa vụ hợp đồng này. Do đó, họ phải chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền 25.000 NDT cho Lý Hải mà không được viện dẫn bất kỳ lý do nào.

Đối với ông Vương - người đã sử dụng điện miễn phí suốt 4 năm qua, tòa viện dẫn Điều 985 Bộ luật Dân sự Trung Quốc. Theo đó, bất kỳ ai nhận được lợi ích tài chính mà không có cơ sở pháp lý đều phải trả lại khoản lợi ích đó. Việc ông Vương vô tình sử dụng điện không trả tiền vẫn bị xem là hành vi làm giàu bất chính và buộc phải thanh toán đầy đủ số tiền điện cho Công ty điện lực trong thời hạn quy định.

Cuối cùng, tòa án ra phán quyết yêu cầu Công ty điện lực lập tức hoàn trả toàn bộ số tiền cho Lý Hải. Đồng thời, ông Vương phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền điện cho phía cung cấp điện đúng quy định. Phán quyết này được dư luận nhận xét là công bằng, hợp lý và đúng pháp luật.

Sự việc trên cũng là bài học đối với người dân. Khi phát hiện hóa đơn điện nước bất thường, cần giữ bình tĩnh, thu thập chứng cứ, làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ một cách bài bản. Nếu đàm phán không thành công, nên mạnh dạn nhờ đến pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Ngoài ra, người dân cũng nên thường xuyên kiểm tra hợp đồng dịch vụ điện nước, mạng viễn thông,… liên quan đến gia đình mình. Việc kịp thời phát hiện sự cố sẽ giúp tránh những tổn thất không đáng có về tài chính và đảm bảo quyền lợi lâu dài.

Theo Baidu