Nam sinh được nhận vào đại học danh tiếng, gia đình nộp 3 tỷ đồng nhập học, hơn 1 năm sau nhà trường thông báo: Em chưa từng đỗ vào đây

Sau thời gian dài học online, gia đình nam sinh ở Trung Quốc mới ngỡ ngàng nhận ra con trai mình chưa từng được nhận vào trường đại học nào cả.

Cơ hội bất ngờ đến từ “người quen”

Năm 2021, con trai của người đàn ông họ Cường (tên là Cường Bằng) và con trai của ông Lý (tên là Lý Húc) ở Thường Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc cùng tham dự kỳ thi đại học. Cả hai nam sinh đều chỉ đạt hơn 400 điểm, không đủ điểm chuẩn vào trường mà gia đình mong muốn.

Trước đó, ông Cường đã nhiều lần khoe với bạn thân - ông Lý rằng mình có người quen ở Học viện Khoa học Kỹ thuật Chiết Giang, có thể hỗ trợ cho sinh viên không đủ điểm được theo học suất “ủy thác đào tạo” - loại hình đào tạo riêng, có cam kết phân công công việc sau khi tốt nghiệp tại Trung Quốc.

Ban đầu, ông Cường nói chỉ có một suất dành cho con trai mình, nhưng vì ông Lý nhiều lần nài nỉ, ông Cường nhận lời giúp xin thêm 1 suất. Sau đó, ông Cường nhiều lần yêu cầu ông Lý phải đưa tiền để thực hiện các chi phí liên quan như nộp hồ sơ, xin giấy giới thiệu, nộp học phí… Tổng số tiền lên đến 600.000 NDT (hơn 2,1 tỷ đồng).

Dù Cường Bằng và Lý Húc đều không nhận được giấy báo trúng tuyển, ông Cường vẫn trấn an gia đình, khẳng định sẽ đích thân đưa hai nam sinh đến trường làm thủ tục nhập học. Đến sát ngày nhập học, ông Cường lại bất ngờ thông báo cả 2 suất bị người khác tố cáo nên cần thêm chi phí “giải quyết”. Tin tưởng bạn thân, ông Lý tiếp tục đưa thêm 370.000 NDT (khoảng 1,3 tỷ đồng).

Để che mắt cả gia đình ông Lý và chính gia đình mình, ông Cường tự lên mạng mua sách giáo trình của một số trường đại học, rồi nói đó là tài liệu nhà trường gửi về. Người đàn ông này liên tục nhấn mạnh vì dịch bệnh nên học kỳ đầu tiên 2 nam sinh phải tự học tại nhà. Thời điểm đó, các trường đại học ở Trung Quốc vẫn đang bị phong tỏa, sinh viên đều học online nên 2 gia đình cũng hoàn toàn tin tưởng, không mảy may nghi ngờ gì.

Nam sinh được nhận vào đại học danh tiếng, gia đình nộp 3 tỷ đồng nhập học, hơn 1 năm sau nhà trường thông báo: Em chưa từng đỗ vào đây- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Đến kỳ nghỉ hè năm sau, ông Cường lại dẫn Cường Bằng và Lý Húc đến cổng trường đại học để chụp ảnh, nói là làm thủ tục chuyển ngành. Ông ta tải mẫu giấy chuyển ngành từ trang web của trường, tự điền thông tin rồi gửi cho gia đình xem, khẳng định hai nam sinh đã là sinh viên năm 2 đại học.

Không chỉ lừa ông Lý, ông Cường còn lừa cả một gia đình khác. Nghe tin ông Cường có thể xin được suất vào đại học danh tiếng, một người hàng xóm là ông Trương đã đưa hơn 700.000 NDT (hơn 2,5 tỷ đồng) để nhờ ông Cường lo cho con gái vào đại học. Tin vào “thế lực” mà ông Cường nói, họ còn đưa thêm tiền để người này giúp mua nhà giá rẻ, xin việc, thăng chức, tổng cộng hơn 2 triệu NDT (khoảng 7,3 tỷ đồng).

Sự thật bị vỡ lở

Sau gần hai năm liên tiếp lừa đảo, cuối cùng ông Cường không còn cớ để trì hoãn khi dịch bệnh tại Trung Quốc đã được kiểm soát. Đầu năm 2023, khi các gia đình yêu cầu đưa các con nhập học tại trường, ông Cường bất ngờ biến mất. Ông Lý và ông Trương tá hỏa khi tra cứu thông tin học sinh trên hệ thống quản lý giáo dục thì không thấy tên các con đâu. Các gia đình tiếp tục đưa con đến văn phòng trường đại học thì nhận được câu trả lời rằng các em chưa từng đỗ vào trường.

Tổng cộng, ông Cường đã chiếm đoạt hơn 4,7 triệu NDT (hơn 17 tỷ đồng) từ các gia đình quen biết. Số tiền này hắn dùng để tiêu xài cá nhân, trả nợ và ăn chơi.

Ngày 28/6/2023, phiên tòa xét xử ông Cường được mở tại Toà án nhân dân Thường Châu, Giang Tô. Trong phiên tòa, Viện kiểm sát khẳng định ông Cường đã cố ý lừa đảo với số tiền vô cùng lớn, đồng thời chỉ đạo làm giả giấy tờ như hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất để hợp thức hóa lời nói dối. Với những chứng cứ rõ ràng, tòa tuyên phạt ông Cường 12 năm 6 tháng tù giam và phạt tiền 310.000 NDT (hơn 1,1 tỷ đồng).

Tòa án Thường Châu nhấn mạnh: Tuyệt đối không tin vào các lời hứa hẹn “chạy suất nội bộ”, “tuyển sinh ngoài chỉ tiêu”. Vụ án là lời nhắc nhở đắt giá cho các bậc phụ huynh, đừng vì tâm lý nóng ruột mà đánh mất tiền bạc, tương lai của con mình. Hệ thống tuyển sinh đại học của Trung Quốc được kiểm soát chặt chẽ, mọi thông tin cần tra cứu qua kênh chính thống như cổng thông tin của Bộ Giáo dục, các trường đại học và hệ thống quản lý tuyển sinh. 

(Theo GMW.cn)