Ba "ông lớn" châu Á đối thoại kinh tế đầu tiên sau 5 năm
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí cùng nhau ứng phó với thuế quan của Mỹ, hãng tin Reuters dẫn lại tuyên bố từ tài khoản mạng xã hội có liên kết với phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết hôm 31/3.
Các bình luận của phương tiện truyền thông nhà nước được đưa ra sau khi 3 nước này tổ chức cuộc đối thoại kinh tế đầu tiên sau 5 năm vào hôm Chủ Nhật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại khu vực trong bối cảnh các cường quốc xuất khẩu châu Á đối mặt với thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhật Bản và Hàn Quốc đang tìm cách nhập khẩu nguyên liệu bán dẫn từ Trung Quốc và Trung Quốc cũng quan tâm đến việc mua các sản phẩm chip từ 2 nước này, tài khoản Yuyuan Tantian, có liên kết với Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, cho biết trong một bài đăng trên Weibo.
Bài đăng cho biết cả 3 nước đều đồng ý tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng và tham gia nhiều cuộc đối thoại hơn về xuất khẩu.
Khi được hỏi về báo cáo, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yoji Muto cho biết có một cuộc họp giữa 3 bộ trưởng thương mại vào cuối tuần nhưng không có nội dung nào như vậy. Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ thương mại Hàn Quốc cho biết "phản ứng chung đối với thuế quan của Mỹ dường như đã bị cường điệu hóa phần nào".
Trong cuộc họp vào Chủ Nhật, các bộ trưởng thương mại của các nước đã nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do Hàn Quốc-Nhật Bản-Trung Quốc để thúc đẩy "thương mại khu vực và toàn cầu", theo một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp.
Các đối tác thương mại của Mỹ bắt đầu lên phương án
Hôm 31/3, Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ "rất tử tế" với các đối tác thương mại khi công bố thêm các mức thuế quan trong tuần này.
Ông nhấn mạnh rằng cần có hành động đáp trả vì nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị "mọi quốc gia trên thế giới lừa đảo" và hứa hẹn "Ngày giải phóng" cho Mỹ.
Tờ Wall Street Journal đưa tin vào Chủ Nhật rằng các cố vấn của Tổng thống Trump đã cân nhắc áp dụng thuế quan lên tới 20%, nhằm vào hầu hết các đối tác thương mại. Bên cạnh thuế quan đối ứng giữa các quốc gia, ông Trump có thể công bố thêm các khoản thuế cụ thể theo từng lĩnh vực đối với các mặt hàng như dược phẩm và chất bán dẫn. Trước đó, ông đã công bố thuế quan đối với ô tô có hiệu lực vào cuối tháng 3.

Ông Trump đe dọa áp thuế lên nhiều đối tác thương mại. Ảnh: Getty Image
Trung Quốc và Canada đã áp đặt thuế quan trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ, trong khi EU công bố các biện pháp đáp trả riêng sẽ có hiệu lực vào giữa tháng 4. Các biện pháp trả đũa khác có thể được đưa ra sau ngày 2/4.
Các đối tác thương mại khác của Mỹ đang nhanh chóng giảm thiểu rủi ro, như Ấn Độ có thể giảm một số thuế với hàng hóa Mỹ.
Một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã lên tiếng phản đối thuế quan đối với Canada và đang cân nhắc ký vào bản ủng hộ một nghị quyết ngăn áp thuế với hàng hóa Canada, CNN đưa tin. Thượng nghị sĩ Susan Collins cảnh báo rằng thuế quan đối với Canada sẽ đặc biệt có hại cho tiểu bang Maine và bà dự định bỏ phiếu cho nghị quyết.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Thom Tillis cũng cho biết ông đang cân nhắc ủng hộ nghị quyết này, đồng thời nói thêm rằng cần chiến đấu với đối thủ trước rồi mới cố gắng giải quyết với các đồng minh.