Một nghiên cứu của Trung tâm Sức khỏe và Nhiệt thuộc Đại học Sydney (Úc) cho thấy, việc sử dụng quạt bàn hoặc quạt trần trước khi bật điều hòa có thể giúp cơ thể cảm thấy mát hơn mà không cần hạ nhiệt độ phòng xuống quá thấp. Luồng gió từ quạt hỗ trợ làm bay hơi mồ hôi nhanh hơn và giúp da thoát nhiệt hiệu quả, mang lại cảm giác dễ chịu ngay cả khi nền nhiệt chưa giảm nhiều.
Thay vì thiết lập nhiệt độ điều hòa ở mức phổ biến 23-24 độ C, bạn hoàn toàn có thể đặt ở mức 27-28 độ C mà vẫn duy trì được sự thoải mái nhờ kết hợp sử dụng thêm quạt. Phương pháp này không chỉ nâng cao hiệu quả làm mát mà còn giúp tiết kiệm điện năng một cách rõ rệt.

Vào mùa hè, việc sử dụng điều hòa liên tục khiến nhiều hộ gia đình phải đối mặt với chi phí tiền điện tăng cao. (Ảnh minh họa)
Trước đó, các nhà nghiên cứu cũng nhận định rằng việc nâng nhiệt độ điều hòa từ 24 lên 26,5 độ C và dùng quạt hỗ trợ có thể cắt giảm gần 1/3 lượng điện tiêu thụ.
Trong khi đó, quạt điện chỉ tiêu tốn khoảng 3% điện năng so với điều hòa, cho thấy đây là lựa chọn tiết kiệm và hiệu quả nếu biết sử dụng hợp lý.
Những thói quen khiến điều hòa tiêu tốn nhiều điện năng
1. Cài đặt nhiệt độ quá thấp
Nhiều người có thói quen để điều hòa ở mức 19–21 độ C với suy nghĩ nhiệt độ càng thấp thì làm mát càng nhanh và dễ chịu. Tuy nhiên, theo chuyên gia năng lượng Alan Langworthy (Úc), đây là một hiểu lầm phổ biến và dẫn đến lãng phí điện đáng kể.
“Có người để máy chạy ở mức 19 độ C cả ngày lẫn đêm mà không biết rằng điều này vừa gây tiêu tốn năng lượng, vừa tạo ra cảm giác lạnh buốt không cần thiết,” ông chia sẻ.
Ông khuyến nghị nên đặt điều hòa ở khoảng 27 độ C và sử dụng thêm quạt để lưu thông không khí, giúp làm mát hiệu quả mà vẫn tiết kiệm điện.
2. Tắt máy lạnh khi rời nhà trong thời gian ngắn
Một số người nghĩ rằng tắt điều hòa mỗi khi ra ngoài sẽ giúp tiết kiệm điện. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Xiaolin Wang – giảng viên tại Đại học Quốc gia Úc, việc bật tắt máy lạnh liên tục không những không giảm được chi phí mà còn khiến thiết bị nhanh hỏng hơn.
“Khi bạn tắt máy, nhiệt độ trong phòng sẽ tăng lên rất nhanh. Sau đó, khi bật lại, điều hòa phải hoạt động hết công suất để đưa nhiệt độ về mức ban đầu, dẫn đến tiêu thụ điện nhiều hơn,” bà giải thích. Theo bà Wang, nếu chỉ ra ngoài dưới 1 tiếng thì nên để điều hòa hoạt động bình thường để tránh tiêu hao năng lượng do khởi động lại.

Việc bật tắt máy lạnh liên tục không những không giảm được chi phí mà còn khiến thiết bị nhanh hỏng hơn.
3. Sử dụng chế độ làm khô một cách không kiểm soát
Vào những ngày nồm ẩm, nhiều người chọn chế độ “Dry” (làm khô) để giảm cảm giác oi bức. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chế độ này chỉ có tác dụng giảm độ ẩm ở mức nhất định và không thể kiểm soát chính xác theo ý muốn.
“Chúng ta không thể biết chính xác độ ẩm đã giảm đến đâu khi dùng chế độ này. Nếu độ ẩm từ 80% giảm xuống 60% thì dễ chịu hơn thật, nhưng nếu muốn xuống 40% thì điều hòa dân dụng không đủ khả năng đáp ứng,” bà Wang cho biết.
Giải pháp làm mát thông minh được khuyến nghị bởi các chuyên gia
Để vừa đảm bảo cảm giác dễ chịu trong mùa nóng, vừa tiết kiệm điện năng, các nhà khoa học khuyên nên thay đổi một vài thói quen nhỏ khi sử dụng điều hòa:
Khởi đầu bằng quạt: Khi cảm thấy nóng, hãy bật quạt trước. Việc này giúp cơ thể thích nghi dần với sự thay đổi nhiệt độ mà không cần tới điều hòa ngay lập tức.
Chỉ dùng điều hòa khi cần thiết: Nhiệt độ trong phòng cần vượt quá 27°C mới nên bật máy lạnh, tránh bật khi chưa thật sự cần thiết.
Kết hợp quạt và điều hòa: Khi sử dụng điều hòa, hãy kết hợp cùng quạt trần hoặc quạt bàn để luồng khí lạnh phân bổ đều hơn trong không gian.
Cài đặt nhiệt độ hợp lý: Thay vì để ở mức quá thấp, hãy đặt điều hòa ở khoảng 27–28°C. Đây là ngưỡng vừa đủ mát, vừa tiết kiệm điện mà vẫn đảm bảo sự thoải mái.
Khi phòng đã đủ mát: Sau khi không gian đạt đến độ lạnh sâu, bạn có thể tắt điều hòa và dùng quạt để duy trì sự dễ chịu trong vòng 1-2 tiếng sau đó, hạn chế lãng phí điện năng. Đây là cách lý tưởng để cơ thể bạn dần dần thích nghi với nhiệt độ ngoài trời trước khi rời phòng điều hòa để bước ra môi trường bên ngoài, tránh thay đổi nhiệt độ quá lớn sẽ đem tới sự khó chịu gấp nhiều lần cùng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe.
Chỉ với một thay đổi đơn giản, bạn đã góp phần giảm lượng điện tiêu thụ, bảo vệ môi trường và giúp cơ thể thích nghi tốt hơn với thời tiết nắng nóng.
(Tổng hợp)