Vào năm 2019, anh Kỷ, sống tại quận Kha Thành, thành phố Cù Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, có ý định mua nhà mới. Thông qua giới thiệu của công ty môi giới BĐS, người đàn ông này để mắt tới ngôi nhà đang rao bán của anh Lưu, một người dân sống trên địa bàn. Sau khi xem nhà, anh Kỷ đã ký hợp đồng mua nhà với giá 2,2 triệu NDT (hơn 7,8 tỷ đồng) và gửi trước 50.000 NDT (hơn 179 triệu đồng) tiền cọc cho gia chủ.
Hai tháng sau đó, trong lúc hai bên ngồi xuống thảo luận để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng tài sản thì anh Lưu bất ngờ đề xuất tăng giá nhà thêm 50.000 NDT, tức 2.250.000 NDT (hơn 8 tỷ đồng). Người đàn ông này cho biết nếu anh Kỷ không đồng ý với điều kiện này thì hợp đồng mua nhà giữa 2 bên sẽ chấm dứt.
Anh Kỷ nghe vậy thì vô cùng tức giận. Cho rằng mình bị anh Lưu gài bẫy, người đàn ông này đã kiện đối phương ra tòa án địa phương, yêu cầu tòa án chấm dứt hợp đồng mua nhà giữa mình và anh Lưu. Đồng thời yêu cầu người đàn ông này phải có phương án bồi thường thiệt hại cho mình.
Tại tòa, anh Lưu cho biết căn nhà nói trên là tài sản chung của anh và vợ. Vợ anh không đồng ý bán nhà với mức giá 2,2 triệu NDT nên hợp đồng mua bán nhà giữa anh và anh Kỷ là không có giá trị. Người đàn ông này cũng đồng ý trả lại số tiền cọc 50.000 NDT cho đối phương.
Tuy nhiên, anh Kỷ không đồng tình với ý kiến trên nên đã nói thẳng yêu cầu bồi thường của mình. Theo đó, người đàn ông này muốn anh Lưu phải bồi thường gấp đôi tiền cọc là 100.000 NDT (hơn 358 triệu đồng) và trả thêm khoản tiền chênh lệch giá nhà là 250.000 NDT (hơn 895 triệu đồng).

Ảnh minh họa: Internet
Với vụ việc này, tòa án quận Kha Thành sau khi xem xét đã ra phán quyết rằng “Hợp đồng mua bán bất động sản” do anh Kỷ và anh Lưu ký có sự đồng ý của cả hai bên nên cả hai bên đều phải thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Sau khi anh Kỷ gửi tiền đặt cọc cho anh Lưu theo thỏa thuận, anh Lưu không hoàn tất thủ tục chuyển nhượng nhà trong thời hạn đã thỏa thuận là vi phạm hợp đồng.
Sau đó, vì anh Lưu đã trình bày rõ ràng lý do từ chối thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng nên yêu cầu chấm dứt “Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản” mà hai bên đã ký kết là có cơ sở thực tế và pháp lý. Tòa án sau đó cũng đã ra phán quyết chấm dứt hợp đồng mua bán đã ký giữa hai bên, đồng thời anh Lưu phải có trách nhiệm trả lại tiền cọc và bồi thường cho anh Kỷ.
Về khoản bồi thường mà bên bán phải đền cho bên mua, vì giá bất động sản vào thời điểm đó có biến động nên dựa trên yêu cầu của anh Kỷ, Tòa án quận Kha Thành đã ủy quyền cho một công ty thẩm định ngôi nhà của anh Lưu khi cả hai bên đồng ý thực hiện thủ tục chuyển nhượng nhà để quyết định.
Sau khi thẩm định, giá trị tài sản liên quan đến vụ án tại thời điểm đó là 2,38 triệu NDT (hơn 8,5 tỷ đồng), cao hơn giá giao dịch đã thỏa thuận trong hợp đồng là 180.000 NDT (hơn 644 triệu đồng). 180.000 NDT cũng là số tiền mà bên mua là anh Kỷ phải chịu thiệt hại trong vụ việc này. Do đó, tòa án quận Kha Thành yêu cầu anh Lưu ngoài việc trả lại tiền cọc cho nguyên đơn thì còn phải bồi thường cho họ số tiền thiệt hại là 180.000 NDT. Tổng số tiền bồi thường là 230.000 NDT (hơn 823 triệu đồng). Vụ việc kết thúc tại đây.
(Theo Sina)