Theo Sina, vào năm 2022, anh Lưu, một nhân viên văn phòng ở Lệ Thuỷ, Chiết Giang, Trung Quốc, đã đăng ký khoản vay tín dụng thời hạn một năm trị giá 250.000 NDT (hơn 885 triệu đồng) thông qua ngân hàng trực tuyến
Theo hợp đồng giữa hai bên, thời hạn vay của ông Lưu là 1 năm. Sau khi ngân hàng giải ngân khoản vay vào tài khoản ngân hàng do ông Lưu cung cấp, trong 3 tháng đầu, ngân hàng đã có thể khấu trừ lãi vay hàng tháng từ tài khoản trả nợ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên đến tháng thứ tư, ngân hàng không thể khấu trừ lãi từ tài khoản và không thể liên lạc được với ông Lưu, nên bắt đầu liên hệ gia đình của người đàn ông này.
Sau khi biết ông Lưu qua đời khi chưa trả xong khoản vay, ngân hàng đã yêu cầu vợ và con trai của người đàn ông này trả nợ gốc cùng khoản tiền lãi hơn 6.000 NDT (hơn 21 triệu đồng) theo quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên, vợ và con trai của anh Lưu cho biết họ không có khả năng trả nợ nên phía ngân hàng sau đó đã kiện họ ra tòa án.
Tại tòa, ngân hàng lập luận rằng tài sản của anh Lưu là do vợ và con của anh thừa kế nên mối quan hệ hợp đồng vay nợ giữa anh và ngân hàng trước đó đã chuyển thành quan hệ chủ nợ giữa 2 người này và ngân hàng. Điều đó cũng có nghĩa là vợ và con của anh Lưu có nghĩa vụ phải trả món nợ trên cùng với tiền lãi.
Đáp lại, vợ anh Lưu cho biết con trai đã từ bỏ quyền thừa kế tài sản mà chồng chị để lại. Hơn nữa, khoản nợ 250.000 NDT trên là khoản nợ cá nhân của chồng nên chị cũng không có nghĩa vụ phải trả nợ thay. Do đó, yêu cầu của phía ngân hàng là thiếu cơ sở pháp lý và thực tế và nên bị bác bỏ theo luật định.

Ảnh minh hoạ: Internet
Về vụ việc này, Tòa án địa phương cho biết theo Điều 1161 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Sau khi mất, phần tài sản của anh Lưu sẽ là tài sản thừa kế được chia cho vợ và con trai. Từ đó, tòa án khẳng định dù khoản nợ của anh Lưu không phải là nợ chung nhưng vợ và con trai của anh với tư cách là người thừa kế tài sản vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng trong phạm vi di sản anh Lưu để lại.
Trong trường hợp người thừa kế từ chối quyền thừa kế thì người đó không phải chịu trách nhiệm trả các khoản thuế và các khoản nợ mà người đã mất phải trả theo quy định của pháp luật Trung Quốc. Điều này có nghĩa nếu con trai anh Lưu từ bỏ quyền thừa kế thì người này không còn trách nhiệm phải trả nợ thay bố mình.
Cũng theo luật pháp Trung Quốc, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại. Tại toà, vợ anh Lưu cũng đã cung cấp bằng chứng chứng minh anh Lưu từng mắc một khoản nợ khác và toàn bộ tài sản mà vợ anh Lưu được thừa kế đã được sử dụng để hoàn trả khoản nợ này. Theo luật, người thừa kế không cần phải trả phần nợ vượt quá số tiền thừa kế. Vì vậy toà án đưa ra phán quyết cuối cùng rằng vợ con của anh Lưu được miễn khoản nợ này và bác bỏ yêu cầu của ngân hàng.
Phía ngân hàng không đồng tình với phán quyết của tòa án địa phương nên đã kháng cáo lên tòa án cấp cao. Tuy nhiên, tòa án cấp cao sau khi xem xét vụ án này cũng đã bác bỏ kháng cáo của ngân hàng. Vụ việc kết thúc ở đây.
(Theo Sina)